Thương nhiều khúc ruột bỏ rơi

08:43, 09/06/2012

Thấy khách lạ, mấy đứa trẻ đang bò nghịch dưới đất dừng bặt, ngơ ngác rồi… lổm ngổm bò đến đòi bế. Tôi ngồi vội xuống nền nhà, ôm các cháu vào lòng, vỗ nhẹ vào lưng từng đứa - nghẹn ngào nghĩ suy: Các cháu ơi, đáng ra ở tuổi này các cháu được nằm trong vòng tay ẵm bồng của cha, mẹ; được bú, mớm, cưng chiều và chập chững những bước chân đầu đời trong sự bình yên của người thân. Song các cháu lại bị chính người sinh ra mình chối bỏ tình mẫu tử, ném ra đường thành khúc ruột bỏ đi.   

Kìm giọt nước mắt trực tràn thương cảm, tôi quay nhìn ra ngoài sân của Trung tâm Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động, Thương binh & Xã hội), thấy hừng hực nắng tháng Năm đốt xuống nền bê tông. Tiết trời khắc nghiệt, những bé em bị cha mẹ chối bỏ tình mẫu tử vào đây bằng nhiều con đường khác nhau. Có bé được người đời nhặt bên vệ đường, trong bãi rác, đồi hoang… kiến bu đen người, chuột gặm nhấm nhiều chỗ trên chân, tay. Có cháu khi được phát hiện người đã tím tái, hơi thở thoi thóp - Trung tâm Bảo trợ Xã hội trở thành mái nhà bình yên với các cháu.

 

 

-Trước, có năm Trung tâm tiếp nhận gần trăm cháu/năm. Nhưng gần đây số trẻ bị bỏ rơi được đưa đến Trung tâm rất ít. 5 tháng đầu năm 2012 này, Trung tâm mới đón nhận nuôi 2 cháu. -Chị Nguyễn Thúy Hường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết:

 

-Số trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ ít, như thế xã hội cũng bớt đi những nỗi đau. - Tôi hỏi thăm dò.

 

-Đau hơn là đằng khác, vì hầu hết các cháu vào đây đều mang trong mình một căn bệnh hiểm. Hiện 16 cháu đang được Trung tâm nuôi dưỡng thì 5 cháu có HIV; 4 cháu bị bệnh đao; 1 cháu bị bệnh viêm gan C; 1 cháu không có phản xạ khóc, cười; có cháu mang trong mình 3 thứ bệnh thế giới chưa tìm được thuốc chữa.

 

-Có cháu nào ở Trung tâm phải chết vì bệnh hiểm chưa?

 

-Từ tháng 1 đến hết tháng 5, Trung tâm đã phải làm thủ tục đưa 5 cháu vào nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên) an táng. Các cháu chết vì căn bệnh HIV.

 

Giữa chiều hè, nền đá hoa chợt lạnh ngắt, tôi cảm nhận như có luồng gió của ngày đại hàn chạy dọc sống lưng. Dòng đời đa chiều, những kẻ làm cha, làm mẹ bất đắc dĩ kia chắc phải vì lý do hết sức đặc biệt, nên mới nhẫn tâm ném núm ruột đau của mình ra khỏi cuộc đời. Chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên của Trung tâm đang cùng đám trẻ tíu tít chơi đùa với quả bóng trên tay. Trò chuyện với chúng tôi, chị bảo:

 

-Cháu nào cũng thế, lời tập nói đầu tiên bao giờ cũng là từ mẹ. Giá khi ấy người mẹ thật của cháu được nghe con gọi, chắc không còn hạnh phúc nào hơn đối với một người phụ nữ.

 

-Dù sao bọn trẻ cũng có một mái nhà an toàn. Cha, mẹ chúng là người làm công, hưởng lương Nhà nước. Chí ít là các cháu được sống, được chữa bệnh và được đi học làm người. -Tôi nói an bài.

 

Mấy đứa trẻ sán vào lòng tôi đòi bế. Chúng không nheo nhẽo khóc, không hờn giận như bao trẻ ngoài đời. Được tôi ẵm bế, xoa lưng, các cháu thích thú. Và như một phản xạ tự nhiên của muôn loài sinh ra trên đời, các cháu ở Trung tâm, kể từ cháu đang nằm ngửa trong nôi cũng biết thân phận của mình, chúng muốn được người lớn ban ơn bằng cách bế chúng lên, và hôn một cái thật nhẹ êm vào má.

 

Xa xỉ lắm, đối với các cháu bị bệnh HIV giai đoạn cuối thì… các bố, mẹ ở Trung tâm khi chăm sóc còn phải lo cách phòng lây nhiễm sang mình. Hộ lý Đỗ Thị Dung không giấu diếm: Thương lắm, song biết làm sao đây khi cháu bé nằm trong cũi run, giật đùng đùng, toàn thân lở loét vì căn bệnh thế kỷ. Cho bé ăn, cho bé tắm, thay áo, quần cho bé chị em chúng tôi đều phải sử dụng găng tay. Rồi khi tiễn bé về cõi vĩnh hằng, cái quan tài nhỏ nhoi, không tiếng khóc, chỉ có mấy cán bộ, nhân viên công tác ở Trung tâm đi mai táng, vậy là xong một kiếp người.

 

Không biết những chiếc cũi, chiếc giường inox sáng lạnh ở đây đã chứng kiến bao nhiêu bé em ăn, ngủ và lớn lên trên nó. Cả những bé em không may mắn phải thoi thóp tìm đường về “chốn thiên thai”. Hôm nay, những cũi, giường ấy vẫn lặng lẽ, chứng kiến từng bất hạnh của mỗi cảnh đời thơ trẻ. Các bé Khanh, Lâm, Vân đang ở độ tuổi mẫu giáo lớn, vậy mà đã biết nhường nhau khi xà vào lòng tôi. Các cháu mơ ước, khát khao được ngồi trong vòng tay âu yếm của tình cha, nghĩa mẹ, hoặc chí ít là được người lớn ôm vào lòng. Tiếc rằng, Khanh, Lâm và Vân đều mang trong cơ thể thơ ngây của mình dòng máu bị nhiễm HIV.

 

So với chúng bạn ở đây, Lâm hạnh phúc hơn rất nhiều. Dù sinh ra chưa một lần được nhìn thấy mặt cha, nhưng được mẹ ẵm bế đến đầy tuổi, mẹ Lâm mới đi về miền cực  lạc vì căn bệnh AIDS. Bà ngoại nghèo, không cưu mang nổi cháu, đành cõng bé Lâm vào Trung tâm nhờ cậy. Ở cùng phòng với Lâm còn có bé Định mắc bệnh đao, bé Ngọc nằm liệt một chỗ do bị bại não. Bé Hoa thì đang chung sống với các căn bệnh đao, tim bẩm sinh và lác. Bé Chinh mắc bệnh viêm gan C... Nhìn các cháu nô đùa, ai cũng nghẹn lòng. Chúng còn nhỏ dại quá, chưa hiểu đầy đủ về nỗi đau đớn đời người. Còn như bé Dung, 2 tuổi, khi đưa vào Trung tâm cháu mới được mấy ngày tuổi, nay đã 2 năm, Dung nằm đó không cười, không khóc, chỉ ăn và lớn như một vật thể sống vô hồn.

 

Không cam chịu như tất cả trẻ em bị bỏ rơi, cháu Tuấn, 9 tuổi mới vào đây từ dạo đầu năm 2012. Đang tuổi nhi đồng nhưng Tuấn đã hung hãn khác người. Năm 2003, Tuấn được 1 người đàn bà nhặt ở bãi rác trong tình trạng đỏ hỏn, thoi thóp thở trong bọc tã, 1 bên mắt bị chuột cắn hỏng. Người đàn bà ấy đã nuôi Tuấn cho đến lúc không thể chịu đựng được cái tính ngang bướng, đành phải nhờ chính quyền địa phương làm thủ tục gửi Tuấn vào Trung tâm. Mất gần 3 tháng dạy dỗ, tính khí bất kham trong dòng máu đứa trẻ hoang mới thuần lại. Tuấn sẽ được đi học lớp 1 vào tháng 9 năm nay.

 

Từ phía góc khuất của gian phòng, tiếng oa… oa… oa… cất lên. Tôi bước đến bên chiếc cũi inox, ngắm một cháu bé 3 tháng tuổi, trắng hồng, mũm mĩm, mặt tươi như đóa hoa hồng. Chị Hường cho biết: Bé mới đầy 3 tháng tuổi, người ta nhặt được bé trong chiếc làn, cháu bị nhiễm căn bệnh HIV.