Khu vực nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) Thái Nguyên chiếm đến 95% diện tích tự nhiên và trên 70% dân số toàn tỉnh. Đây là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế thấp, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, văn hóa, giáo dục… còn nhiều hạn chế. Song đây cũng là nơi tiếp nhận phần lớn chất ô nhiễm từ các đô thị, khu công nghiệp, vùng khai thác khoáng sản và cũng là nơi phát sinh, lưu trữ chất thải do hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, làng nghề…
Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, khai thác khoáng sản và phát triển làng nghề, vấn đề ô nhiễm môi trường vùng NN-NT của tỉnh đang được đặt ra hết sức cấp bách, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Những năm gần đây, tình trạng khô hạn gia tăng, nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây cháy rừng ở một số địa bàn trong tỉnh. Tập quán sinh kế dựa vào rừng của đồng bào dân tộc ít người đã ít nhiều làm thay đổi hệ sinh thái rừng mà nguyên nhân chủ yếu do chặt phá rừng làm nương rẫy, gây suy giảm diện tích rừng tự nhiên. Nhiều thiên tai, dịch bệnh xuất hiện đã gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân mà phần lớn là nông dân.
Nhiều khu vực đất vùng nông thôn đã bị ô nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép. Ô nhiễm hữu cơ ở tất cả các sông, suối trên địa bàn mà nguyên nhân chính là do chất thải sinh hoạt, chăn nuôi và do quá trình phân hủy cây cỏ đưa vào sông, suối. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, lượng chất thải rắn (CTR) thải ra trong một ngày tại các vùng nông thôn của tỉnh khoảng gần 400 tấn, chiếm 68% lượng CTR sinh hoạt trên toàn tỉnh. Trong khi chỉ có khoảng 15-20% lượng CTR được thu gom bởi các dịch vụ; các bãi rác tự phát ở một số khu vực đất trống, mang tính tạm bợ. Tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, công nghệ xử lý phế phẩm, phụ phẩm, chất thải chủ yếu là dùng hầm khí biogas, nhưng số gia đình sử dụng hầm biogas không nhiều.
Qua khảo sát sơ bộ, hiện nay hệ thống thoát nước thải trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối… vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều khả năng lây lan dịch bệnh. Vấn đề nghĩa trang khu vực nông thôn hầu như phát triển tự phát, chưa có nơi nào bảo đảm yêu cầu của nếp sống mới. Mọi công việc từ bố trí nơi chôn cất, chọn vị trí đặt mộ, hướng mộ đều do thân nhân người mất lựa chọn. Việc sử dụng đất nghĩa trang phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh và các công trình hạ tầng, mỹ quan. Nhiều nghĩa trang và khu dân cư chưa được phân định rõ ràng, nhiều hộ gia đình hiện đang sinh sống gần như lọt hẳn vào khu đất nghĩa trang; giếng nước, nhà vệ sinh nằm cận kề khu mai táng… Thực trạng về môi trường nông thôn của tỉnh đang ô nhiễm và suy thoái không chỉ do sự bất cập về các công trình bảo vệ môi trường và ý thức của người dân, doanh nghiệp mà còn do công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập.
7 chương trình ưu tiên về bảo vệ và cải thiện môi trường NN-NT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020
Ưu tiên 1: * Gắn kết bảo vệ môi trường vào chính sách quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng NN-NT.
* Tăng cường năng lực quản lý và xử lý chất thải NN-NT.
* Nâng cấp và xây dựng mới các công trình bảo vệ môi trường NN-NT.
Ưu tiên 2: * Tăng cường năng lực quản lý môi trường NN-NT.
* Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên, môi trường NN-NT.
Ưu tiên 3: * Bảo vệ môi trường ở các làng nghề.
* Quản lý hóa chất bảo vệ thực vật và sản xuất nông phẩm an toàn. |
Với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới, chắc chắn, các tác động tiêu cực đến môi trường sẽ gia tăng. Khi các khu công nghiệp, cở sở hạ tầng đô thị, giao thông phát triển, khai thác khoáng sản gia tăng, tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn, độ rung, ô nhiễm nước, đất … sẽ tiếp tục kéo dài hoặc trầm trọng hơn nếu không có các biện pháp tích cực trong quản lý môi trường. Theo quy hoạch, tuy sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng giảm dần trong nền kinh tế của tỉnh nhưng vẫn là ngành kinh tế quan trọng. Nếu trung bình mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp sử dụng khoảng 2,8 kg hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), việc tăng sản lượng cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn quả dự kiến khoảng 75.000 ha vào năm 2020 thì lượng hóa chất BVTV được sử dụng sẽ khoảng 210 tấn, lượng tồn dư trong môi trường sẽ là 105 tấn. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành chăn nuôi như hiện nay thì đến năm 2020 khối lượng CTR phát sinh từ trâu, bò, lợn, gà tương ứng khoảng trên 335 nghìn tấn. Đây là nguồn chất thải nguy hại trực tiếp và chủ yếu ở khu vực NN-NT, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Để bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh ở vùng NN-NT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ và cải thiện môi trường NN-NT đến năm 2020. Đó là: Thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước ở vùng nông thôn; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình bảo vệ môi trường vùng NN-NT; tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp huyện, xã để bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường NN-NT; bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, thiên nhiên; thực hiện các mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Các chương trình, dự án dành cho lĩnh vực bảo vệ và cải thiện môi trường NN-NT đã được xây dựng. Việc triển khai và tổ chức thực hiện đang rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự cân đối hợp lý về tài chính và sự cố gắng nỗ lực vào cuộc của cả cộng đồng. Chỉ có sự đồng tâm hiệp lực của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội chúng ta mới hy vọng có thể đạt và vượt các tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM./.
Bà Hoàng Thị Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh: Hiện nay, Sở Tài nguyên Môi trường đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá môi trường nông thôn và triển khai bằng văn bản việc thực hiện tiêu chí này đến từng xã. Tuy nhiên, môi trường nông thôn vẫn là một vấn đề bức xúc, thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM còn rất nhiều khó khăn. Đến nay, 100% xã XDNTM chưa thực hiện được tiêu chí này. Để làm được điều này cần huy động tốt các nguồn lực và quyết tâm triển khai của từng địa phương.
Ông Dương Trọng Văn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo XD NTM xã Huống Thượng: Huống Thượng có trên 1.000 hộ dân với trên 6.000 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp lớn, việc thực hiện tiêu chí môi trường còn rất nhiều khó khăn, không chỉ về tiền vốn mà còn về quỹ đất. Bởi vậy, để thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM, rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể.
Bà Trần Thị Ngọc, thôn Phú Cốc, xã Tân Phú, Phổ Yên: Tôi có nghe xã phát động phong trào XDNTM nhưng cụ thể làm thế nào thì tôi chưa biết. Không có nước máy, chúng tôi dùng nước giếng và nước ao để sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt hằng ngày gia đình tôi tự thu gom để đốt. Nhưng nhiều gia đình vẫn vứt rác bừa bãi ra sông, suối. |