Bài 2: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
XDNTM là lộ trình dài hơi (2011-2020), để đạt được 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí văn hóa, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều địa phương trong tỉnh đã chọn cách làm từng bước theo kiểu “dễ trước, khó sau”. Trong quy hoạch NTM, mỗi xã đã có kế hoạch dành quỹ đất để xây dựng NVH và khu thể thao theo tiêu chí XDNTM của Bộ Văn hóa. Có thể việc xây dựng cơ sở vật chất được tính toán làm sau, nhưng phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống mới ở KDC thì luôn luôn được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh.
Giai quyết vướng mắc về cơ sở vật chất
Trước thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở chưa đạt chuẩn và xuống cấp, những năm gần đây Sở VHTT&DL đã xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh phù hợp với quy chuẩn của chương trình XDNTM. Hiện Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025, Sở đang báo cáo UBND và HĐND tỉnh, chờ phê duyệt trong năm 2012.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Việc xây dựng Đề án có ý nghĩa quan trọng vì trước mắt sẽ tập trung kinh phí đầu tư, thực hiện xây dựng cơ sở vật chất cho 35 xã điểm. Điều này sẽ giúp các địa phương có hướng đi phù hợp trong việc giải quyết khó khăn về vấn đề quỹ đất xây dựng NVH thôn, xóm và Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã..
Trong khi chờ Đề án quy hoạch được phê duyệt, để giải quyết những vướng mắc về việc xây dựng NVH, một số địa phương đã chủ động, tích cực vào cuộc, linh hoạt trong việc xây dựng quy hoạch, sử dụng quỹ đất, có cơ chế chính sách tạo nguồn lực tài chính và huy động nhân dân đóng góp tiền của và ngày công xây dựng cơ sở vật chất. Điển hình như Thành phố đã trích ngân sách, có cơ chế hỗ trợ cho các xóm xây dựng NVH với 9 xã XDNTM là 15 triệu đồng/xóm, 100% kinh phí đối với các công trình Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã. Với cơ chế hỗ trợ này, trong 9 xã XDNTM, hiện có 4 xã đã quy hoạch được diện tích xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã. Với xã Bá Xuyên (T.X Sông Công), để đạt mục tiêu xã nông thôn mới vào năm 2015, xã đã lập kế hoạch và giải pháp thực hiện chi tiết từng năm. Cụ thể là năm 2012 hoàn thành quy hoạch; năm 2013 xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã và cải tạo nâng cấp các NVH vốn có của 12 xóm để phục vụ tốt việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao trong cộng đồng dân cư. Chủ trương, kế hoạch này nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Từ cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa phương ở thành phố Thái Nguyên và xã Bá Xuyên (T.X Sông Công) cho thấy, muốn thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất thì khâu quan trọng đầu tiên là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền tới nhân dân, chủ thể trong XDNTM. Về vấn đề này, một số cán bộ văn hóa ở cơ sở băn khoăn: nhận thức của nhân dân hiện nay không đồng đều, nhất là ở xã vùng sâu, xa. Bởi thế ngoài hỗ trợ về mặt kinh phí, chúng tôi rất mong được các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ chúng tôi phương tiện tuyên truyền. Nếu thực hiện tốt khâu tuyên truyền, nhân dân hiểu, sẽ dễ dàng hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng NVH.
Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa
XDNTM nhằm mục đích nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn vì thế ngoài xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ sinh hoạt cộng đồng thì việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở KDC” là điều quan trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lục Văn Long, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: “Thực trạng hiện nay ở hầu hết các địa phương là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cấp xã còn mỏng, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm nên năng lực, trình độ chuyên môn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Bởi vậy, việc tuyên truyền tới người dân về các tiêu chí văn hóa trong XDNTM gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, Đồng Hỷ đã và đang tăng cường việc tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ văn hóa ở cơ sở; tăng cường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn thu hút đông đảo người dân tham gia, tiến tới thành lập các nhóm sở thích văn nghệ, thể thao trên địa bàn các xã, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào, vận động người dân thực hiện tốt nếp sống mới ở KDC”.
Còn bà Vũ Thị Liên Minh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Thái Nguyên thì cho hay: “Hiện có 2 xã là Tân Cương và Phúc Hà trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn quy định về KDC văn hóa với xã nông thôn mới. Cùng với tuyên truyền, chúng tôi cũng tăng cường phối hợp hơn nữa với các đoàn thể, nhất là Mặt trận Tổ quốc để thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở KDC” đem lại hiệu quả cao hơn, đảm bảo đúng mục tiêu đề ra đạt tiêu chí này với các xã điểm trong năm 2015 và các xã còn lại vào năm 2020”.
Thực tế ở những địa phương chúng tôi đã tìm hiểu cho thấy, để đạt được mục tiêu XDNTM, trong đó có 2 tiêu chí về văn hóa, lãnh đạo địa phương còn phải phá bỏ được “rào cản” là tư tưởng chờ đợi đầu tư của Nhà nước; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lồng ghép các chương trình, dự án hiện có để tăng năng lực cho các xã; nhân rộng các mô hình điểm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở KDC”…
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Vướng mắc lớn nhất trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa ở Thái Nguyên là xây dựng khu Trung tâmVăn hóa, Thể thao cấp xã. Nên chăng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xem xét lại quy chuẩn với khu vực trung du miền núi về diện tích, chỗ ngồi hội trường cho phù hợp, đặc biệt là những vùng miền núi có mật độ dân cư thưa thớt. |