Quá trình đô thị hóa sẽ biến vùng chuyên canh cây rau màu Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) thành dĩ vãng và người nông dân nơi đây đang cần một “hành trang” mới…
Theo Quy hoạch chung xây dựng T.P Thái Nguyên thì phường Túc Duyên trong tương lai sẽ là trung tâm đô thị khu vực hai bên bờ sông Cầu, với kết cấu hạ tầng hiện đại. Ở thời điểm hiện nay, 100% đất nông nghiệp của phường đã nằm trong quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư mới. Theo ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên thì quá trình đô thị hóa của phường được “khởi động” từ đầu những năm 2000 với Dự án khu dân cư (KDC) số 1, từ đó liên tiếp các dự án khác được công bố và triển khai. Diện tích đất nông nghiệp của phường ngày càng thu hẹp theo chiều hướng tỷ lệ nghịch với sự gia tăng các dự án (năm 2005 là 153 ha, nay giảm xuống còn 124 ha) và cơ bản sẽ hết vào năm 2015, nếu các dự án được triển khai đúng tiến độ.
Có thể nói, quá trình đô thị hóa ở phường Túc Duyên đang ở thời kỳ cao trào, diện mạo của phường sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm tới. Tâm trạng của những người nông dân Túc Duyên đang đan sự háo hức, phấn khởi, với những nỗi lo âu, tiếc nuối và có phần hoang mang khi chưa được chuẩn bị “hành trang” để sẵn sàng và tự tin trước quá trình đô thị hóa. Ông Đặng Ngọc Triệu, người đã có thâm niên 20 năm làm Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ thủy lợi nông nghiệp Đại Đồng và 13 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân phường Túc Duyên cho biết: Khi có dự án về, cơ bản bà con đồng tình và chấp hành tốt chủ trương, nhưng đa phần cũng đang lo lắng bởi chuyện chuyển đổi nghề, việc kiếm kế sinh nhai khi ruộng đất không còn. Đó cũng là những điều trăn trở đối với Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã chúng tôi.
Để tạo sự đồng thuận và ổn định tư tưởng trong nhân dân, cũng như để chủ động giải quyết tốt các vấn đề hậu thu hồi đất, ông Phạm Văn Tuyến cho biết: Phường Túc Duyên đã và đang chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, thông qua các buổi họp dân, loa truyền thanh và phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố, các chủ đầu tư tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người dân.
Hằng năm, phường đều phối hợp với Trung tâm Xúc tiến việc làm thành phố mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (với các nghề như: cơ khí, điện, hàn, trồng nấm, trồng rau sạch…) và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Điều này đã mang lại hiệu quả đáng kể khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, như việc người trồng hoa ở Túc Duyên đã không còn phải lặn lội sang các tỉnh khác tìm mua giống (đã sản xuất tại chỗ thành công), mô hình trồng nấm đã có hơn 10 hộ dân áp dụng cho hiệu quả cao và hàng chục hộ gia đình khác có kinh tế khá giả từ nghề trồng hoa.
Mặt khác, tháng 4 vừa qua, thành phố đã chấp thuận đề xuất của phường là sẽ thành lập thêm một chợ mới tại Túc Duyên nhằm phát triển thương mại, dịch vụ và quan trọng hơn là giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cùng với các nghề truyền thống là làm bún, làm đậu phụ, vài năm trở lại đây, một số nghề tiểu thủ công nghiệp như mộc, cơ khí sửa chữa ngày càng phát triển ở Túc Duyên.
Tại tổ 13, nơi mà chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ được đô thị hóa 100%, chúng tôi đến tìm hiểu một số mô hình sản xuất nông nghiêp của các gia đình đã rất thành công trong việc “xoay sở” với những không gian chật hẹp. Gia đình ông Nguyễn Văn Tòng đã đầu tư trồng các loại nấm ăn từ năm 2005, một năm sau đó, khi được học lớp đào tạo nghề trồng nấm tại phường và tìm hiểu nhu cầu thị trường, ông chuyển sang trồng nấm linh chi. 60 m2 trồng nấm linh chi, mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 120 triệu đồng, cộng với các loại nấm khác được trồng trong một khuôn viên chưa đầy 400 m2, gia đình ông có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Phạm Quốc Hưng vốn có 7 sào đất ruộng, đã bị thu hồi 4 sào, chủ động trước việc sẽ hết đất nông nghiệp, năm 2009, anh mạnh dạn đầu tư trồng hoa ly. Ngay lứa hoa đầu tiên, chỉ với khoảng 200 m2 đất quanh nhà, gia đình anh đã có lãi 50 triệu đồng, có vốn nên anh ngày càng mở rộng quy mô trồng loại hoa này. Anh Hưng cho biết: Hoa ly là loại có giá trị kinh tế cao, đầu tư tốn kém, kỹ thuật khắt khe, nhưng có thể tận dụng mọi không gian nếu trồng vào các khay xốp, mặt khác thị trường đầu ra luôn rộng mở…
Những gia đình đã chuyển đổi nghề thành công như trên chưa nhiều so với gần 1.000 hộ nông nghiệp ở phường Túc Duyên hiện nay, nhưng đó là những mô hình rất đáng được quan tâm nhân rộng. Quá trình đô thị hóa là tất yếu, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, người nông dân cần chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị sẵn cho mình một “hành trang” mới.