Là một tỉnh miền núi trung du Bắc bộ với dân số gần 1,2 triệu người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 50,6%, những năm gần đây, phụ nữ Thái Nguyên đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để phát huy năng lực và tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Qua đó, có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời, góp phần cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao
Bằng nhiều kênh thông tin, tuyên truyền, với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như: Tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, cấp phát tài liệu, thông qua các phương tin thông tin đại chúng, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, chi hội, tổ phụ nữ, nội dung tuyên truyền luật pháp, bình đẳng giới đã đến với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có chị em phụ nữ. Mục tiêu bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm đưa vào kế hoạch hoạt động; yếu tố giới đã được đưa vào đánh giá các chương trình hoạt động, điển hình như chương trình giảm nghèo, đào tạo lao động, giới thiệu việc làm... Tính đến hết năm 2011, tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được qua đào tạo đạt 48,2%, trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 26,45%; tỷ lệ lao động nữ có việc làm đạt 51,53%.
Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai nhiệm vụ tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên phụ nữ. Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, 5 năm qua (2007-2011) Hội Phụ nữ tỉnh đã tiếp nhận hơn 700 đơn thư các loại, giải quyết trên 400 đơn; số đơn thư còn lại Hội đã gửi các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp xem xét, giải quyết kịp thời.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bình đẳng giới và tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiến bộ. Có thể kế đến các văn bản như: Kế hoạch hành động của phụ nữ Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010; Kế hoạch của UBND tỉnh quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới… Những căn cứ quan trọng đó đã giúp cho phong trào phụ nữ nói chung, công tác bình đẳng giới nói riêng, đặc biệt là nhận thức về bình đẳng giới trong toàn Đảng, toàn dân được nâng lên.
Vai trò chủ đạo của chị em trong xây dựng gia đình hạnh phúc
Những năm gần đây, vấn đề xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội học tập, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” được các cấp, các ngành quan tâm. Xây dựng gia đình hạnh phúc được gắn chặt với phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa; xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hóa, phong trào người tốt việc tốt và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các nội dung, tiêu chí người phụ nữ mới được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực với từng đối tượng, ngành, nghề khác nhau.
- Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 đều tăng so với nhiệm kỳ trước: Cấp tỉnh đạt 12,73% (tăng 2,33%); cấp huyện đạt 16,15% (tăng 2,9%); cấp xã đạt 21,39% (tăng 3,04%);
- Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: Cấp tỉnh đạt 28,57% (tăng 4,69%); cấp huyện đạt 27,38% (tăng 1,64%); cấp xã đạt 21,42% (tăng 0,88%);
- 27/50 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có ít nhất một lãnh đạo chủ chốt là nữ;
- 5 năm gần đây, tỷ lệ nữ đảng viên kết nạp mới chiếm khoảng 50% trong tổng số đảng viên mới được kết nạp (đạt chỉ tiêu đề ra). |
Để phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều câu lạc bộ (CLB) được hình thành và duy trì hoạt động như: CLB Gia đình không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, Gia đình không có bạo lực, Gia đình mẹ hiền, dâu thảo; CLB Gia đình không sinh con thứ ba, Gia đình 5 không, ba sạch; CLB Hoa Hướng dương (thu hút trên 400 phụ nữ bị nhiễm HIV tham gia sinh hoạt)… Thông qua hoạt động của các CLB đã hỗ trợ cho chị em phụ nữ và thành viên trong gia đình kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống; nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ gia đình. Hàng năm có khoảng 75% đến 80% gia đình hội viên phụ nữ trong tỉnh đạt gia đình 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Kết quả đó cho thấy chị em luôn cố gắng phát huy vai trò người phụ nữ trong xã hội, thực hiện quyền làm chủ, tích cực phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây chính là hành động thiết thực của chị em phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.
Nhiều chị được giao nhiệm vụ trọng trách
Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tăng cả về số lượng và chất lượng. Chị em đã chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều chị được giao nhiệm vụ trọng trách như: Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; bí thư, chủ tịch cấp huyện, cơ sở; trưởng phó các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện. Công tác đào tạo cán bộ nữ có nhiều đổi mới, tạo điều kiện về chế độ, chính sách. Đến nay, đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh có trình độ văn hóa từ trung học phổ thông trở lên chiếm tỷ lệ 98,61%, trong đó trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 74,67%, đào tạo sau đại học đạt khoảng 30%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 41,08%. Đại học Thái Nguyên - Đại học lớn thứ 3 của Quốc gia có trụ sở đóng tại Thái Nguyên hiện có khoảng 40% thạc sỹ, tiến sỹ là nữ trong tổng số thạc sỹ, tiến sỹ của Đại học.
Công tác bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ nữ đã được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Chất lượng cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm mới ngày một nâng cao. Chị em phụ nữ được đề bạt, bổ nhiệm đều khẳng định được vai trò vị trí của mình trong mỗi cương vị công tác được giao.
Tuy vẫn chưa hết những định kiến về giới và tư tưởng trọng nam, khinh nữ, song chúng ta có thể khẳng định vai trò của người phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển tiếp tục được khẳng định. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, chị em phụ nữ đã và đang tích cực phấn đấu vươn lên để xóa bỏ những mặc cảm, quyết tâm phấn đấu rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.
Ông Dương Duy Hưng, Ủy viên Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh tiếp tục quan tâm đến yếu tố giới trong triển khai thực hiện các chương trình hành động cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các sở, ngành và địa phương.
Bà Hà Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Cẩm (Phú Lương): Người phụ nữ dù ở cương vị nào cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức xã hội, chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân, nuôi dạy con cái, xây dựng kinh tế gia đình
Chị Lưu Thị Peng, dân tộc Nùng, xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ): Nhờ có tổ chức Hội chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; được hỗ trợ, vay vốn để phát triển kinh tế… |