Viến Ván, thung lũng xanh

08:21, 19/06/2012

Nắng tháng Sáu chói chang nhưng trên đường vào xóm Viến Ván, nằm cuối xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí mát mẻ bởi bạt ngàn màu xanh của những rừng keo lai. Giữa cánh đồng, màu vàng của lúa căng trĩu hạt, tiếng cười nói vui vẻ xen lẫn tiếng máy tuốt lúa tạo nên một bức tranh làng quê thật thanh bình. 

Theo lời kể của ông Lâm Việt Dũng, Trưởng xóm, thì những năm 80 của thế kỷ trước, người dân di cư từ các tỉnh lân cận đi qua vùng núi này. Lúc ấy, rừng vẫn đầy cây cối rậm rạp, muông thú còn nhiều, họ đã chặt và đốt trọc hết cánh rừng đầu nguồn để trồng ngô. Không có cây rừng giữ và điều hòa nguồn nước nên vụ ngô đầu tiên, khu Luồng Ngô bạt ngàn chưa đến kỳ thu hoạch, phút chốc qua vài trận mưa lũ đã bị cuốn sạch. Đất đai trong vùng vì đó mà trở nên bạc màu, cằn cỗi.

 

Hàng năm, người dân đều phải đối mặt với nạn hạn hán, gieo cấy một vụ phụ thuộc vào nước trời, cho năng suất thấp. Thấy vậy, nhóm người di cư đã bỏ đi nơi khác. Nhìn cánh rừng trơ trọi, nhìn cảnh đất bạc màu và bao mùa màng bị mất, ông Hoàng Đình Lợi (hiện là Bí thư Chi bộ xóm) cảm tưởng như người mình bị dao cứa rớm máu. “Rừng là bạn, rừng góp phần giữ và điều hòa nguồn nước, tàn ác với cánh rừng chính là đang xẻ thịt của bản thân mình”- Ý thức được những điều ấy nên những đảng viên trong xóm, đi đầu là ông Hoàng Đình Lợi đã báo cáo với chính quyền xã và vận động bà con nhân dân cùng nhau trồng cây, khoanh nuôi khu rừng tái sinh rộng 14ha vào đầu những năm 90 với các loại cây lát, keo, muồng, trám đen... Xóm cũng thành lập Ban Quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn bao gồm những đồng chí là Trưởng xóm, Bí thư và trưởng các đoàn thể như Chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh...

 

Từ đó đến nay, cánh rừng luôn xanh tốt, ngày ngày ríu ran tiếng chim ca. Vui nhất là nguồn nước trong khu vực này được điều hòa, thuận lợi cho bà con gieo cấy trên 80% diện tích lúa hai vụ và 100% diện tích trồng các loại cây màu như ngô, cà chua vụ đông, đỗ, lạc, đậu tương... Riêng năng suất lúa những năm gần đây luôn đạt trung bình trên 2 tạ/sào. Ngoài cấy lúa, 30 hộ dân tộc Nùng ở đây còn tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mùa nào thức ấy, cây trái, rau màu sạch nằm trên giỏ theo bà con ra chợ. Trong xóm có 18 hộ đã mua được máy cày, 2 hộ có dịch vụ máy xay xát và tuốt lúa liên hoàn. Nhờ đó, hơn một nửa hộ nghèo của xóm thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước đã giảm, đến năm 2008 chỉ còn lại 5 hộ và giờ duy nhất còn 1 hộ nghèo thuộc diện gia đình đơn thân. Năm 2011, mức thu nhập bình quân của người dân trong xóm là trên 15 triệu đồng/người/năm.

 

Kể đến đây, ông Lâm Việt Dũng cười bảo: Người dân trong xóm bảo vệ rừng tốt lắm. Không chỉ Ban Quản lý rừng tái sinh làm việc đâu mà tất cả mọi người đều ý thức được giữ rừng là giữ lá phổi xanh và khí hậu trong lành, những mùa vàng bội thu cho chính gia đình mình. Vì thế, nhiều năm nay, không có ai dám chặt một cây vầu hay bắn một con chim trong rừng đầu nguồn.

 

Trong câu chuyện rôm rả về việc trồng và giữ rừng bên bờ ruộng vàng rực cùng những nông dân vào vụ gặt, tôi cảm nhận được sự thuần hậu, chất phác của những người dân nơi đây. Không chỉ giữ rừng đầu nguồn, nhân dân còn phủ xanh bạt ngàn keo lai trên từng khu đất trống, đồi trọc của xóm. Chị Triệu Thị Nhất, tháo chiếc khăn che mặt ra vừa nói: “Người dân vẫn nói vui, trong 15 xóm của xã Quang Sơn thì Viến Ván là xóm “vô địch” trồng rừng, bởi 100% hộ dân ở đây, người ít thì trồng hơn 1ha, người nhiều lên tới gần 14ha. Gia đình tôi cũng trồng gần 3ha keo nay đã 6 tuổi. Được cán bộ, đảng viên trong xóm tuyên truyền nên chúng tôi đều hiểu, trồng rừng để giữ nguồn nước canh tác”. Nghe vậy, ông Dũng nói xen vào, giọng không khỏi tự hào: “Xóm hiện có trên 120ha rừng nhân dân tự trồng, chủ yếu là các giống keo lai và bạch đàn. Người trồng rừng đầu tiên là bác Hoàng Đình Lợi dạo đầu những năm 2000 đến nay có 6ha. Theo gương gia đình bác Lợi, gia đình tôi cũng trồng rừng trên những khu đất trống, đến nay 10ha keo lai của tôi từ 3-8 năm tuổi đều đang phát triển tốt. Trong xóm, có anh Lâm Văn Tâm là hộ dân có diện tích rừng lớn nhất (gần 14 ha xoan và keo lai) từ 3-5 tuổi. Đảng viên trẻ nhất xóm là anh Lý Mạnh Quân, sinh năm 1990, cũng tích cực trồng trên 3ha keo.

 

Một số hộ trong xóm trồng đợt đầu năm 2000 đến nay cũng đã bán keo và thu được hàng trăm triệu đồng. Thật tiếc cho cô vì hôm nay không được gặp bác Lợi. Bác ấy đi dự tuyên dương già làng, trưởng bản có uy tín trong vùng có đồng bào dân tộc thiểu số dưới tỉnh”… Tôi nhẩm tính, với những rừng keo trên 5 năm tuổi đã được thương lái đến trả 60 triệu đồng/ha thì trên 120 ha rừng trồng của xóm sắp tới ước tính sẽ cho bà con nguồn thu hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng chục triệu đồng mỗi năm thu được từ trồng xen canh các loại cây màu như đỗ, lạc. Rừng cho giá trị kinh tế lâu dài - một số cụ cao tuổi trong xóm nói - Bởi thế, nếu ai muốn có ngay nguồn lợi về kinh tế thì sẽ không chọn trồng rừng. Với chúng tôi, rừng luôn là người bạn thân thiết. Mỗi sáng thức dậy, đứng ra trước cửa, hít hà không khí trong lành và nhìn ra khoảng xanh bạt ngàn của những cánh rừng trước mặt, thấy sảng khoái biết bao nhiêu… Nghe điều ấy, tôi thấy lòng mình ấm lại. Nếu nơi đâu trên tất cả dải đất hình chữ S này cũng có những con người như ông Lợi, ông Dũng, ông Tâm... Ở Viến Ván, thì lo gì cây rừng và muông thú bị chặt phá, săn bắt tràn lan...

 

Nhận xét về xóm Viến Ván, ông Âu Văn Xiêm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quang Sơn cho biết: Không chỉ có kinh tế ổn định, 12 năm liên tục, xóm được công nhận là Làng văn hóa của huyện với tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 100%, xóm không có người mắc tệ nạn xã hội và sinh con thứ ba…