Chăm lo công tác Đền ơn đáp nghĩa

14:01, 27/07/2012

T.X Sông Công hiện có trên 1,6 nghìn đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Công tác chăm lo đời sống những đối tượng chính sách này luôn được thị xã quan tâm, chú trọng thực hiện…

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Ngọc Đông, là nạn nhân chất độc da cam ở tổ dân phố Tân Lập, phường Thắng Lợi, T.X Sông Công. Con gái út của ông Đông là em Vũ Thị Linh bị nhiễm chất độc da cam từ bố, thấy chúng tôi, liền cười vang trêu ghẹo và chạy tung tăng quanh nhà. Ông Đông vừa dõi mắt nhìn con gái, vừa nói: “Tôi phải thường xuyên để ý đến cháu, vì cháu cứ ra khỏi cổng là đi lạc do không nhớ đường về nhà”. Ông Đông nhập ngũ năm 1971, khi đó mới 17 tuổi và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đến năm 23 tuổi, ông xuất ngũ về quê và lập gia đình. Linh là đứa con bị ảnh hưởng chất độc da cam nặng nề nhất trong 3 người con của ông. Em bị bại não từ lúc mới được 2 tháng tuổi, nay đã 20 tuổi mà tâm tính, nhận thức chỉ như bé gái đang tuổi tập nói, tập đi. Chính quyền địa phương đã lập hồ sơ đưa đi khám bệnh, em Linh được hưởng trợ cấp xã hội, được khám, chữa bệnh miễn phí định kỳ, gia đình ông Đông bớt khó khăn.

 

Ông Đông tâm sự, khi ra trận, tư tưởng duy nhất lúc bấy giờ của tôi chỉ là chiến đấu hết mình cho Tổ quốc. Khi trở về, tôi bị ảnh hưởng chất độc da cam, đau yếu luôn, con lại bị bệnh tật như thế cũng buồn đau lắm. Nhưng sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương đối với gia đình tôi đã khiến chúng tôi yên tâm hơn và nỗi buồn vì thế cũng vơi bớt.

 

Còn thương binh Nguyễn Văn Hạnh, xóm Đớ, xã Bá Xuyên thì chia sẻ: Trở về sau cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, gia đình tôi lúc ấy rất nghèo. Gia đình tôi đã được chính quyền xã Bá Xuyên và bà con lối xóm quan tâm, động viên, thăm hỏi. Các Hội, đoàn thể đã giúp chúng tôi ngày công trong việc đào 2000 m2 ao. Bản thân tôi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, thủy sản. Từ đó, tôi duy trì được mô hình nuôi ga, vịt và thả cá rô phi đầu vuông bền vững. Đến nay, thu nhập từ nuôi gà, vịt và cá đã giúp gia đình tôi để ra được trên 100 triệu đồng/năm. Hiện tại, 2 con tôi đều đã trưởng thành, tôi tự cảm thấy thanh thản, yêu qúy mảnh đất này và đã có điều kiện để chăm lo thú vui trồng cây cảnh của mình.

 

Không chỉ có gia đình ông Đông, ông Hạnh mà các gia đình thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, người có công với cách mạng tại T.X Sông Công cũng đều được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước và nhận được sự sẻ chia, quan tâm chăm sóc về vật chất và tinh thần của nhân dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền như thế. Nói về công tác này, ông Nguyễn Xuân Nhân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội thị xã cho biết: T.X Sông Công hiện có gần 1,6 nghìn đối tượng chính sách, người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền là trên 2,1 tỷ đồng.

 

Bên cạnh thực hiện đúng đủ các chính sách của nhà nước, chúng tôi coi việc chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách luôn được chính quyền địa phương xác định là việc làm thường xuyên nhằm làm vơi bớt đi phần nào gánh nặng cuộc sống, chia sẻ nỗi đau, sự mất mát hy sinh của các gia đình. Chúng tôi đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các đối tượng chính sách bằng các hoạt động thiết thực như: đề nghị điều dưỡng tại gia đình cho 150 đối tượng, với số tiền 105 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí cho con em của đối tượng có công đang theo học tại các trường với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng/năm; tổ chức thăm hỏi, động viên mỗi khi ốm đau, hoạn nạn, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết, ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7; giúp đỡ ngày công vào mỗi vụ cấy, gặt, thu hái chè…

 

Bên cạnh đó, trong 5 năm từ 2007 đến 2012, thị xã kết hợp với một số đơn vị khác hỗ trợ xây mới 12 nhà tình nghĩasửa chữa 11 nhà cho các gia đình chính sách với số tiền 230 triệu đồng, đến nay, đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã không còn nhà ở tạm bợ. Ngoài việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, T.X Sông Công còn vận động người dân chung tay chăm sóc nghĩa trang, xây dựng và tôn tạo nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Từ năm 2008 đến nay, thị xã đã huy động từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân được trên 23 tỷ đồng để xây dựng mới và nâng cấp nhà bia ghi tên liệt sĩ, mộ và nghĩa trang liệt sĩ Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang, Phường Mỏ Chè, Lương Châu, Cải Đan, Phố CòĐài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của thị xã. Các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm đã cử người có trách nhiệm quản lý, bảo quản thường xuyên chu đáo, với phương châm Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp.

 

Ông Nguyễn Xuân Nhân cho biết thêm: Xác định việc nâng cao chất lượng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên của Đảng bộ và nhân dân của thị xã, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn yên ổn về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho họ phát huy tốt khả năng lao động của mình vào việc phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội, để tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống cách mạng, phục vụ đất nước.