Thời gian qua, đã có không ít trường hợp người tiêu dùng trên địa bàn bị xâm hại về quyền lợi, nhưng việc bảo vệ họ dường như ít được quan tâm, hoặc quan tâm chưa đúng mức. Từ đòi hỏi thực tế đó, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Vận động thành lập Hội về một số nội dung liên quan.
Phóng viên: Xin ông cho biết đôi nét về công tác vận động và chuẩn bị cho Đại hội Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh?
Ông Nguyễn Đức Tiến: Từ lúc Ban vận động được thành lập (ngày 28-9-2011) đến nay, chúng tôi đã phát hành được trên 100 thư mời tham gia gửi tới các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, HTX, cá nhân trong tỉnh. Với sự tích cực, nhiệt tình của các thành viên Ban vận động và sự ủng hộ của các cấp, ngành, các tổ chức nên đến nay đã có 70 thành viên đăng ký tham gia là Hội viên chính thức, trong đó có đại diện của 19 doanh nghiệp. Thành phần tham gia tổ chức Hội rất phong phú, gồm đủ các lĩnh vực từ đơn vị sản xuất, kinh doanh cá thể đến các doanh nghiệp trung ương, địa phương, đặc biệt có cả các thành viên đang là cán bộ làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ nghỉ hưu và bà con nhân dân. Hiện tại, toàn bộ các hồ sơ, quy chế, thủ tục, các điều kiện cần và đủ để thành lập và tổ chức Đại hội đã được hoàn tất.
Phóng viên: Mục tiêu và nội dung hoạt động chính của tổ chức Hội là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tiến: Mục tiêu tổng quát mà tổ chức Hội hướng tới chính là giảm dần những vụ việc xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, góp phần đáng kể vào việc lành mạnh hoá các hoạt động kinh doanh hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn. Tổ chức Hội ra đời có vai trò là điểm tựa vững chắc cho quyền lợi của người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động của mình nhằm tạo niềm tin, uy tín đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp, giữ vị trí quan trọng trong các ngành, các địa phương, các tổ chức trong tỉnh.
Nội dung hoạt động của Hội xoay quanh 4 nhiệm vụ: Thứ nhất, triển khai các hình thức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao trình độ hiểu biết cho người tiêu dùng. Thứ hai, tiếp nhận và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan để giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng khi họ bị xâm hại. Thứ ba, tham gia ý kiến về xây dưng pháp luật, cơ chế chính sách bảo vệ người tiêu dùng với các cấp có thẩm quyền. Thứ tư, phát triển hội viên, chi hội cơ sở, câu lạc bộ bảo vệ người tiêu dùng ở các doanh nghiệp, các tổ chức, địa phương…
Phóng viên: Vậy theo ông, làm thế nào để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng đó?
Ông Nguyễn Đức Tiến: Trước hết phải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh mở các chuyên mục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các thành phần kinh tế và cá nhân người tiêu dùng. Tích cực thông tin, cảnh báo về những việc làm gian lận, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời thông tin rộng rãi các sản phẩm uy tín, chất lượng hoặc các dịch vụ tin cậy. Tiếp đó, thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội chợ giúp người tiêu dùng hiểu về quyền lợi hợp pháp của mình để từ đó tự biết bảo vệ khi bị xâm hại.Thành lập Phòng Giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của người tiêu dùng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các vấn đề một cách nhanh gọn, thoả đáng. Tập hợp một số cán bộ có chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật, cơ chế chính sách và có thực tiễn để sẵn sàng tham gia phản biện khi được các cơ quan Nhà nước xin ý kiến. Thông qua phát triển các chi hội, câu lạc bộ ở dưới cơ sở, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang đặt mục tiêu phấn đấu từ năm 2013 trở đi mạng lưới tổ chức Hội sẽ được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh…
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!