Du lịch Thái Nguyên: Bước tiến khả quan

10:46, 09/07/2012

Xác định được tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch, cuối năm 2006, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015. Mục tiêu của Đề án đặt ra là phấn đấu đến năm 2015, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc. Sau 3 năm thực hiện Đề án, du lịch Thái Nguyên đã có bước tiến khả quan, các định hướng phát triển đặt ra trong đề án đã được triển khai tích cực và có hiệu quả tốt.

Thái Nguyên là cửa ngõ vùng Việt Bắc xuống châu thổ sông Hồng, là miền đất non xanh nước biếc, có nhiều thắng cảnh đẹp tự nhiên thu hút du khách như: Hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà, thác Mưa rơi (Võ Nhai); hồ bảo Linh, thác Khuôn Tát (Định Hóa); hồ Núi Cốc, thác Cửa Tử, chùa Thiên Tây Trúc (Đại Từ), hồ Suối Lạnh (Phổ Yên); hồ Nà Mạt (Phú Lương)… Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng là mảnh đất gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc còn được lưu giữ, ẩn chứa trong trên 600 điểm di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Thái Nguyên cũng là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, có truyền thống văn hóa các dân tộc độc đáo và các lễ hội dân gian nổi tiếng.

 

Dựa vào những lợi thế trên, căn cứ vào các mục tiêu của Đề án, 3 năm qua, Thái Nguyên đã có những hoạt động tích cực nhằm từng bước đưa ngành du lịch phát triển, tập trung khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và tham quan các di tích lịch sử. Hiện tỉnh ta có 183 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và lữ hành; 1 cơ sở kinh doanh lữ hành quốc tế. Hơn 2 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Thái Nguyên đón trên 1.336 nghìn lượt khách tham quan, với tổng doanh thu toàn xã hội về các dịch vụ du lịch đạt gần 1 nghìn tỷ đồng…

 

Thực hiện mục tiêu đầu tiên đặt ra trong Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015, với định hướng ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, đưa hồ Núi Cốc trở thành Khu du lịch Quốc gia vào năm 2011, UBND tỉnh đã mời các đơn vị tư vấn nước ngoài lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng hồ Núi Cốc đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Tháng 6-2011, tỉnh đã tổ chức lễ công bố quy hoạch và đến cuối năm này, hồ Núi Cốc được quy hoạch là Khu du lịch Quốc gia với loại hình du lịch sinh thái hồ, văn hóa dân tộc và truyền thuyết theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

 

Hiện, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các bước báo cáo các bộ, ngành để thành lập thị xã Núi Cốc - đô thị du lịch vào năm 2013 nhằm khai thác có hiệu quả Khu du lịch này. Ưu tiên phát triển ngành du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của đông đảo du khách nên trong 3 năm qua, tỉnh đã phê duyệt các dự án, quy hoạch khu du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Năm 2011, Công ty TNHH Đông Á đã đưa vào khai thác và sử dụng khu nghỉ dưỡng lão và du lịch sinh thái Phúc Xuân; Công ty TNHH Thái Hải đã đưa vào sử dụng Khu bảo tồn Làng nhà sàn và du lịch sinh thái Thái Hải. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái Hải cho biết: Khu Bảo tồn Làng nhà sàn và du lịch sinh thái Thái Hải có diện tích trên 71 ha trong đó có 1/3 diện tích được phủ xanh với các loại cây, chủ yếu là keo lai và hơn 10.000m2 diện tích mặt nước. Đến nay, chúng tôi đã đầu tư phục dựng 30 ngôi nhà sàn cổ theo đúng nét văn hóa của dân tộc Tày vùng Việt Bắc, phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách, trong đó có các món ăn dân tộc đặc biệt. Hơn 8 tháng qua, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón trên 200 lượt khách đến tham quan, cao điểm vào dịp nghỉ lễ lên tới trên 400 lượt người/ngày.

 

Trong 3 năm qua, tỉnh cũng đã tập trung khai thác sản phẩm du lịch từ thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc và đặc sản chè Thái Nguyên nổi tiếng. Đặc biệt là qua việc tổ chức Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất năm 2011, đưa tuyến du lịch sinh thái vùng chè Tân Cương và các làng nghề chè vào phục vụ du khách, Thái Nguyên đã quảng bá được thương hiệu và chất lượng của 44 làng nghề sản xuất và chế biến chè nổi tiếng của tỉnh tới đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Một điều đáng ghi nhận trong bước tiến của du lịch của tỉnh khi thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2009-2015 là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quan tâm, đầu tư, nâng cấp hạ tầng dịch vụ 4 khu du lịch: hồ Núi Cốc, Trung tâm thành phố Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Võ Nhai và  khu du lịch lịch sử ATK Định Hóa với tổng số tiền trên 10.382, 6 tỷ đồng. Riêng Khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư 10.497 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà điều hành, bãi đỗ xe, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, trung tâm tổ chức sự kiện, bến tàu du lịch và khu nghỉ dưỡng cao cấp…

 

Bên cạnh những bước tiến khả quan, du lịch Thái Nguyên trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Về vấn đề này, ông Phạm Thái Hanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch băn khoăn: Hiện nay, đội ngũ nhân viên phục vụ trong ngành du lịch còn thiếu và yếu nên chất lượng phục vụ du khách chưa cao. Để thực hiện thành công Đề án trong hơn thời gian từ nay đến 2015, một trong những vấn đề cốt yếu là tỉnh cần có cơ chế, chính sách đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên phục vụ trong ngành để nâng cao chất lượng phục vụ với du khách. Còn ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hội Du lịch tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Khách sạn du lịch Dạ Hương thì cho rằng: Để du lịch Thái Nguyên phát triển hơn nữa, xứng đáng với tiềm năng vốn có thì tỉnh cần tăng cường các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó là khai thác nguồn khách nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên và các tỉnh lân cận; xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với di tích lịch sử cách mạng, tạo sức hấp dẫn cho du khách…

 

Nhận định du lịch Thái Nguyên với rất nhiều tiềm năng vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa được khai thác triệt để nên UBND tỉnh đã có kế hoạch tổ chức Hội thảo với chủ đề “Các giải pháp đột phá phát triển du lịch trong mối liên kết phát triển của vùng Việt Bắc và phụ cận” vào cuối tháng 7 này... Hy vọng rằng, qua đó, Thái Nguyên sẽ xây dựng được các chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, cũng như có giải pháp đào tạo nhân lực và đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ tương xứng... để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Thái Nguyên thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc vào năm 2015 như mục tiêu Đề án đã đề ra…