Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

09:13, 19/07/2012

Ngày 19/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu tìm ra những giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 với chủ đề “Các giải pháp đột phá phát triển du lịch Thái Nguyên trong mối liên kết phát triển du lịch của vùng Việt Bắc và phụ cận”, TNĐT tóm tắt tham luận của một số đại biểu tại Hội nghị này.

Cần quan tâm xây dựng và phát triển du lịch làng nghề (Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên)

 

Du lịch làng nghề là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thay vì việc tìm kiếm thị trường hay tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư. Với Thái Nguyên, xây dựng, phát triển du lịch làng nghề sẽ tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa các sản phẩm tiêu biểu đồng thời giới thiệu tiềm năng du lịch làng nghề của tỉnh; mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề trên địa bàn và các tỉnh bạn, giữa người sản xuất và du khách, qua đó thúc đẩy việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch này. Hiện, Thái Nguyên có 160 làng nghề, trong đó có 81 làng nghề đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Du lịch làng nghề là một tiềm năng còn bỏ ngỏ rất cần được quan tâm đầu tư, phát triển gắn với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Có như vậy mới quảng bá cho thương hiệu làng nghề, góp phần nâng cao hơn vị thế du lịch Thái Nguyên và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ của du lịch của tỉnh trong thời gian tới...

 

Đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch (Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nội)

 

Khách nước ngoài tham quan và thưởng thức trà Thái Nguyên nhân dịp Festieval Trà Quốc tế 2011.

 

Để sự hợp tác du lịch giữa Hà Nội và Thái Nguyên ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, hai địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá lại những tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh phát triển của mình, từ đó đề ra phương hướng hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Ngoài phối hợp khai thác các dự án đầu tư về du lịch; tăng cường phối hợp thông tin xúc tiến quảng bá du lịch thì hai địa phương cần đẩy mạnh phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của cả nước và có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao khá dồi dào. Do vậy có thể hỗ trợ công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên ngành du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng. Cùng với đó là tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên được thực tập tại các điểm du lịch, khách sạn, doanh nghiệp du lịch lớn tại thủ đô...

 

Phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc (Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT)

 

Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống bình dị của đồng bào dân tộc ở những miền quê đang là thị hiếu của đông đảo du khách.

 

Để phát triển bền vững du lịch sinh thái tại khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc cần gắn kết với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đó là khoanh nuôi bảo vệ đối với những hệ sinh thái rừng tự nhiên, tạo môi trường sinh sống cho các loài động vật hoang dã; tái tạo sinh thái rừng nhiệt đới thay thế các loài cây trồng hiện nay làm nên sự sống động của cảnh quan thiên nhiên thu hút du khách.... Bên cạnh đó tỉnh ta cần xây dựng quy chế đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc phù hợp với chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp của Chính phủ theo cơ chế đồng quản lý rừng; giao đất gắn với giao rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ; cho thuê môi trường rừng phòng hộ đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có năng lực để sử dụng môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái, khai thác tiềm năng tự nhiên để thu hút du khách trong nước và quốc tế...

 

Tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên các tài nguyên sẵn có (Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hội Du lịch tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Khách sạn du lịch Dạ Hương)

 

Trong những năm qua, du lịch Thái Nguyên mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguồn khách du lịch còn thấp, thời gian lưu trú chưa cao. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Hơn nữa, các dịch vụ du lịch cao cấp trong tỉnh còn thiếu; chất lượng đội ngũ nhân sự phục vụ trong ngành chưa được nâng cao... Để tháo gỡ những khó khăn, tạo đà phát triển cho ngành du lịch trong thời gian tới, tỉnh cần tăng cường các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao. Kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với di tích lịch sử cách mạng, tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch. Bên cạnh đó, quan tâm thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, để tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên các tài nguyên du lịch sẵn có trong tỉnh...

 

Cần nâng cấp Nhà trưng bày thành Bảo tàng ATK Định Hóa (Lý Thị Chiên, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa)

 

Để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng vùng ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái trước hết cần có Quy hoạch tổng thể Khu di tích ATK Định Hóa liên thông với các khu vực ATK của tỉnh và vùng Việt Bắc. Bên cạnh đó là chỉnh lý, nâng cấp Nhà trưng bày ATK Định Hóa thành Bảo tàng ATK Định Hóa với diện tích trưng bày và không gian đủ lớn để nó là một trung tâm văn hóa, khoa học và giải trí đáp ứng được điều kiện về thời gian, nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của du khách. Tỉnh cũng cần có chiến lược bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong vùng ATK Định Hoá kết hợp cùng với việc xây dựng đầu tư các khu vui chơi, giải trí, bảo tồn và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái một số địa điểm trên địa bàn.

 

Bên cạnh đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, tỉnh cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ hướng dẫn viên. Cùng với đó là quan tâm bồi dưỡng các gia đình, người dân bản địa tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích, danh thắng tại ATK Định Hóa.