Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Hùng Sơn (Đại Từ) là địa phương có đóng góp lớn cả về sức người, sức của cho chiến đấu...
Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Hùng Sơn (Đại Từ) là địa phương có đóng góp lớn cả về sức người, sức của cho chiến đấu. Hiện xã có 86 liệt sĩ được ghi danh trên bia tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ của xã. Số thương, bệnh binh hiện đang được hưởng trợ cấp xã hội là 51 người, số người bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 109 người, xã có 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng Lao động. Đặc biệt, nơi đây còn là nơi công bố bức thư của Bác lấy ngày 27/7 làm Ngày thương binh, Liệt sĩ. Để tri ân những đóng góp của những đóng góp to lớn của những Người có công ở địa phương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hùng Sơn luôn trân trọng và thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để các gia đình chính sách, người có công ở địa phương có mức sống khá so với mặt bằng chung trở lên.
Xác định, để các gia đình chính sách vươn lên phát triển kinh tế một cách bền vững, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phải được đặt lên hàng đầu, xã đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dạy nghề và các cơ sở giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện để mở các lớp đào tạo nghề cho con, em gia đình chính sách, người có công. Việc đào tạo nghề cho các đối tượng được xã căn cứ vào điều kiện của từng gia đình, khả năng của từng đối tượng để lựa chọn nghề cho phù hợp. Để làm được điều này, các cán bộ xã đã đến từng gia đình thống kê số lao động, đồng thời tìm hiểu điều kiện, tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng, qua đó lập danh sách phân loại theo độ tuổi, điều kiện, khả năng của từng người, từ đó đưa vào các lớp đào tạo nghề phù hợp.
Từ năm 2008 đến nay, đã có 24 lao động là con, em các gia đình chính sách, người có công được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Ngoài ra, 122 lượt hộ cũng được hỗ trợ tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, giúp các gia đình có thêm kiến thức, kinh nghiệm lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình, qua đó vươn lên phát triển kinh tế.
Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Văn Thanh, xóm Vân Long là một điển hình. Với tình yêu đất nước nồng nàn, 18 tuổi, ông đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên thuộc đơn vị C19, tiểu đoàn 668, Trung đoàn 671, Bộ Tư lệnh 559. Đến tháng 7 năm 1969, trong một trận đánh ở Thừa Thiên Huế, ông đã bị thương ở cánh tay phải. Đến năm 1975, ông phục viên trở về nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ông Thanh tâm sự: Khi mới trở về địa phương, công việc đồng ruộng thì vất vả mà thu nhập chẳng được là bao, bản thân tôi sức khỏe lại yếu, khi trái nắng trở trời vết thương cũ lại đau nhức nên kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Mãi đến năm 1995, nhờ được tham gia tập huấn kỹ thuật thâm canh chè ở xã, nên tôi đã dần dần chuyển đổi diện tích chè trung du già cỗi trước đây sang trồng các giống chè cành mới như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên. Nhờ đó, năng suất, chất lượng chè cùa gia đình tôi đã tăng lên. Đến nay, gia đình tôi có 3ha chè giống mới và 1ha chè trung du, mỗi năm hái được hơn 30 tấn búp tươi, thu nhập khoảng 250 triệu đồng đã trừ chi phí.
Bên cạnh quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn khoa học kỹ thuật, xã còn tạo điều kiện cho các gia đình chính sách, người có công được tham gia vay các nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện đầu tư sản xuất. Tính đến nay, toàn xã đã có 87 hộ được vay với tổng số vốn 5,7 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Từ nguồn vốn này, các gia đình đã đầu tư các mô hình phát triển kinh tế như: Sản xuất chè, kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng...
Nhiều đối tượng đã trở thành những điển hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương như mô hình kinh doanh sắt thép và cán tôn của gia đình ông Lê Chí Thắng, thương binh hạng 4/4, xóm số 2. Ông Thắng cho biết: Từng tham gia chiến đấu và bị thương, sau khi trở về địa phương, tôi đã tham gia làm nông nghiệp cùng gia đình. Gia đình tôi có khoảng 6 sào ruộng, một năm cấy 2 vụ lúa và thâm canh thêm khoai, sắn cũng chỉ đủ ăn. Mãi đến năm 2010, nhờ được vay nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, tôi đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh doanh sắt thép và cán tôn với quy mô mỗi năm cán hơn 30 nghìn m2 tôn và kinh doanh thêm các loại sắt, thép phục vụ ngành xây dựng nên kinh tế đã dần khấm khá lên. Hiện nay, mô hình của gia đình cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ toàn bộ chi phí, tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, biết đầu tư đúng hướng để các gia đình chính sách, người có công vươn lên phát triển kinh tế nên những năm gần đây đời sống của những gia đình này đã được nâng lên nhiều. Tính đến năm 2008, toàn xã đã không còn gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo và kết quả này được duy trì cho đến nay vẫn không có hộ nào tái nghèo, đời sống của các đối tượng ngày càng được nâng lên, kinh tế gia đình được phát triển bền vững.