Kê khai tài sản – biện pháp mạnh trong phòng, chống tham nhũng

08:20, 15/07/2012

Vì không công khai, minh bạch về tài sản của các quan chức, cán bộ cho nên tham nhũng, lãng phí càng có điều kiện phát triển và nó đã trở thành “quốc nạn”.   

Có thể nói, lỗ hổng lớn nhất ở quy trình quản lý xã hội Việt Nam là quản lý tài sản. Đặc biệt là tài sản thuộc sở hữu của các quan chức, của cán bộ - những người đang tham gia vận hành bộ máy quản lý của Nhà nước. Chính vì còn lỗ hổng đó nên cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang còn nhiều bất cập.

 

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, khắc phục các khuyết tật của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của quyết sách phòng, chống tham nhũng hiện nay.

 

Vụ một số quan chức tỉnh Sóc Trăng đánh cờ ăn tiền với số tiền có ván lên đến 5 tỷ đồng bị phanh phui hơn nửa năm trước, làm nhiều người dân không thể tin. Mới đây, qua thông tin của một số tờ báo, nhiều người lại biết đến hàng chục ngôi nhà sàn làm bằng các loại gỗ quý hiếm cấm khai thác, tọa lạc trên những khu đất rộng từ hàng nghìn mét vuông trở lên, trị giá căn nhà dù là nhỏ nhất cũng phải hàng chục tỷ đồng của một số cán bộ thuộc một tỉnh miền núi nghèo phía Bắc.

 

Vụ án đánh cờ tiền tỷ đã được Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử ngày 9/7 vừa qua và ngày 16/7, các mức án cụ thể đối với từng bị cáo sẽ được tuyên. Nhưng điều dư luận quan tâm, người dân thắc mắc là vì sao các bị cáo quan chức của tỉnh Sóc Trăng, các quan chức của tỉnh nghèo miền núi và nhiều quan chức khác lại có nhiều tiền đến như vậy? Thu nhập và tài sản của họ có được kê khai nghiêm túc và công khai cho người dân biết hay không?

 

Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi thực tế cho thấy, việc kê khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên chưa có chế tài cụ thể, chưa nghiêm túc, còn qua loa, hình thức và điều quan trọng là chưa có sự giám sát chặt chẽ từ cấp ủy đến cơ quan quản lý và của người dân.

 

Quyền có tài sản và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình là một trong những quyền của công dân được pháp luật quy định. Nhưng đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo - mà nhân dân quen dùng từ “quan chức”, thì việc kê khai tài sản, công khai tài sản phải là một trong những điều kiện “cần” trong quá trình thực hiện chức trách. Như vậy mới tránh được dư luận khi người dân “nghe nói” quan chức này có nhà, đất có giá hàng nghìn tỷ đồng; quan chức kia có nhiều tài khoản ở các nhà băng nước ngoài…

 

Chính sự nghi hoặc ấy làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, vào chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cũng vì không công khai, minh bạch, nạn tham nhũng, lãng phí càng có điều kiện phát triển và nó đã trở thành “quốc nạn”, cản trở công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

 

Ngày 20/7, Dự Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ được trình Chính phủ. Nội dung sửa đổi sẽ quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý. Mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn. Bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

 

Với việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý về kê khai tài sản. Từ việc ký kết Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng đến các Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản. Đặc biệt, một lần nữa nó khẳng định quyết tâm đấu tranh đến cùng tệ tham nhũng, lãng phí đã được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước. Kê khai phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú”.

 

Những bất cập, khuyết tật của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức sẽ được khắc phục bằng việc hoàn thiện thể chế, bằng hệ thống văn bản pháp lý. Nhưng điều cơ bản, có tính quyết định là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng và của từng người dân; sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, của nhân dân; góp phần đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví là “giặc nội xâm”./.