Khai thác, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng

09:21, 19/07/2012

Nằm ở khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - cách mạng.

Đây là nơi Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa Cách mạng - Thủ đô kháng chiến, là nơi làm việc của các cơ quan Trung ương và của Chính phủ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi vẻ vang. Tại nơi đây, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc, đất nước đã ra đời mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

 

 

Thái Nguyên cũng là nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, như: Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ), hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, thác Nậm Rứt (huyện Võ Nhai), thác Khuôn Tát (huyện Định Hoá)...; có các sản vật ẩm thực nổi tiếng như: Trà Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xôi bảy màu, gạo Bao thai (huyện Định Hóa), bánh chưng Bờ Đậu (huyện Phú Lương) cùng các lễ hội truyền thống phong phú: Lễ hội Lồng Tồng (huyện Định Hoá), hội Đền Đuổm (huyện Phú Lương), hội Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ); nhiều đền, chùa có từ rất lâu: Chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng (thành phố Thái Nguyên)...

 

Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều sự kiện lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế đã được tỉnh tổ chức thành công, được bình chọn là một trong những sự kiện văn hóa tiểu biểu nhất của cả nước, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế như: Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ Nhất năm 2011; các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt... Thái Nguyên còn là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên được xác định là một trong những trung tâm của vùng Đông Bắc - Bắc Bộ về kinh tế, văn hoá, giáo dục và y tế.

 

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước phát triển, trong đó có sự khởi sắc của ngành du lịch. Tài nguyên du lịch của tỉnh đã được quan tâm giữ gìn, bảo vệ, khai thác và phát huy. Nhiều mô hình hoạt động, dịch vụ du lịch đã đáp ứng được một phần nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế. Tỉnh cũng có những cơ chế chính sách mở cửa khuyến khích tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì du lịch Thái Nguyên còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra và mong mỏi của du khách. Cụ thể như công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến Du lịch còn nhiều hạn chế khiến nhận thức của xã hội về phát triển du lịch chưa đồng đều. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch chưa cao để hấp dẫn thu hút khách. Một điều đáng nói là chất lượng các dịch vụ tại khách sạn, nhà hàng ở Thái Nguyên chưa cao, đặc biệt là kỹ năng của nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch còn yếu. Cùng với đó, Thái Nguyên vẫn chưa được khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, do đó chưa tạo được bước đột phá để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

 

Du lịch Thái Nguyên hiện vẫn là tiềm năng bỏ ngỏ cần được khai thác, phát triển xứng tầm. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư phát triển du lịch đến với Thái Nguyên. Hơn nữa, tỉnh cần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các dịch vụ du lịch để có thể đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của du khách. Cùng với đó là quan tâm phát triển du lịch gắn với lễ hội và các hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng. Tăng cường hợp tác khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương trong chương trình liên kết phát triển du lịch vùng và khu vực. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách...