Khó khăn trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho đối tượng có thẻ BHYT tại tuyến xã

08:33, 23/07/2012

Trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm nên xem xét, cân đối để tăng định mức thuốc cho đối tượng có thẻ BHYT điều trị ngoại trú tại tuyến xã lên được từ 30-35% thì việc điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ hiệu quả hơn

Đến trạm y tế xã Đồng Thịnh vào một buổi chiều đầu tháng 7, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bệnh nhân đem thẻ BHYT đến trạm khám và lấy thuốc theo đơn, một vài bệnh nhân cho biết, họ thường dùng thẻ BHYT để tới trạm khám và lấy một số loại thuốc chữa bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, viêm họng… nhưng nếu đơn thuốc bác sĩ kê có 5 loại thuốc thì bệnh nhân chỉ được cấp phát 3 loại theo thẻ còn số thuốc còn lại trạm thiếu hoặc hết thuốc. 

 

 

Trao đổi về vấn đề trên, Bác sĩ Lê Thị Cảnh, Trưởng Trạm y tế xã Đồng Thịnh cho biết: Việc cấp phát thuốc cho bệnh nhân không đủ theo đơn thuốc là tình trạng chung của các trạm y tế trên địa bàn huyện Định Hóa chứ không riêng trạm y tế xã Đồng Thịnh. Lý do là từ năm 2010, thay vì để trạm tự cân đối nguồn quỹ như trước đây thì ngành Bảo hiểm đã thực hiện quy định chi từ 10-15% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú cho tuyến xã (từ đầu năm 2012 đến nay, trạm được chi tối đa 20% quỹ). Trong khi đó, số lượng bệnh nhân có BHYT khám ở trạm đông nên lượng thuốc không đủ phục vụ bệnh nhân, trạm phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc giới thiệu bệnh nhân mua thuốc theo đơn ở ngoài quầy thuốc nên ảnh hưởng tới chi phí của bệnh nhân và uy tín của trạm. Lượng thuốc cấp phát không đủ trong danh mục do đó trạm phải thường xuyên dự trù vào thời điểm cuối tháng để có đủ thuốc cho tháng sau.

 

Trạm y tế xã Đồng Thịnh có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 2 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh làm công tác khám, chữa bệnh ban đầu và tư vấn sức khỏe cho trên 4 nghìn nhân khẩu trên địa bàn xã, trong đó số bệnh nhân có thẻ BHYT là 3.800 thẻ. Trước đây, mỗi ngày trạm tiếp nhận điều trị cho trung bình là 30 bệnh nhân có thẻ BHYT thì bình quân mỗi tháng quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị trên dưới 15 triệu đồng. Nhưng hiện nay cũng chừng đó lượng bệnh nhân khám theo diện có BHYT mà trạm chỉ được chi khoảng từ 9-12 triệu đồng/tháng. Định mức đó khống chế việc sử dụng thuốc, trạm y tế xã chỉ có thể cấp phát các loại thuốc thông thường như cảm, cúm, giảm đau…, còn với một số loại thuốc đặc trị, kháng sinh hay vitamin thì có ít hoặc không có để cấp phát cho bệnh nhân. “ Sáng nay vừa có bà cụ 85 tuổi, đi từ thôn An Thịnh, cách đây vài cây số ra trạm để lấy thuốc nhưng do trạm hết thuốc nên bà cụ phải quay về, bệnh nhân khổ mà trạm cũng rất gặp khó”, bác sĩ Cảnh bức xúc.

 

Chúng tôi rời trạm y tế xã Đồng Thịnh khi trời đã tắt nắng, tại trạm vẫn còn vài bệnh nhân đang khám bệnh bằng thẻ BHYT, bác sĩ Trưởng trạm Lê Thị Cảnh chia tay chúng tôi với những chia sẻ đầy tâm huyết : “ Bản thân tôi cũng như nhiều y, bác sĩ và người dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề định mức thuốc lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết. Nếu có thể, trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm nên xem xét, cân đối để tăng định mức thuốc cho đối tượng có thẻ BHYT điều trị ngoại trú tại tuyến xã lên được từ 30-35% thì việc điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ hiệu quả hơn, tạo lòng tin cho nhân dân. Nếu mình điều trị hiệu quả cũng hạn chế được  việc chuyển tuyến”