Ông Lô Văn Mậu, thương binh 3/4 ở xóm Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ) được nhiều người biết đến là một thương binh giàu ý chí và nghị lực.
Tôi đến đúng lúc ông Mậu đang vội vã từ ngoài đồng về, nhanh tay cởi bộ quần áo lấm đầy bùn đất, ông rửa qua chân tay rồi quơ lấy chiếc khăn để lau những giọt mồ hôi đang thi nhau túa ra trên khuôn mặt khắc khổ trước khi bước lên nhà. Chiều chưa muộn lắm nhưng ông phải về để chuẩn bị bữa tối cho gia đình, lo cám bã và chăm sóc đứa con út tật nguyền. Phần việc còn lại ngoài đồng được giao cho vợ ông đảm nhiệm. Vừa làm việc ông vừa trò chuyện với tôi. Năm 1968, tôi xung phong lên đường nhập ngũ và được điều về Sư đoàn bộ binh cơ giới 304 thuộc Quân đoàn 2 chiến đấu ở các tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Nam. Lúc đó chúng tôi không sợ chết mà chỉ thấy xót thương những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Trước mỗi trận đánh chúng tôi chỉ biết thề quyết tâm đánh thắng dù mình có ngã xuống.
Ông vẫn còn nhớ như in trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, bom đạn quân thù trút xuống như mưa, xương máu bao chiến sĩ đã đổ xuống. Ông không nghĩ một ngày kia mình còn được trở về. Trong một trận chiến tại Điểm 1063 phía Đông nam Thượng Đức tỉnh Quảng Nam năm 1975, ông bị một mảnh đạn xiên từ lưng qua bụng rách đại tràng. Đến tháng 5-1975 khi vết thương đã ổn định, ông được xuất ngũ.
Trở về địa phương, ông bắt tay vào làm kinh tế và kết duyên cùng người con gái đã hẹn ước với ông trước ngày lên đường nhập ngũ. Vợ ông đã sinh cho ông 4 người con khoẻ mạnh, nhưng đến người con thứ năm thì vợ chồng ông như ngã quỵ bởi đứa bé chẳng biết khóc cũng không biết cười, đặt đâu nằm đấy. Chưa hết bàng hoàng thì cậu con trai lớn của ông đột ngột qua đời. Những đứa khác cũng nay ốm, mai đau, vợ chồng ông phải tất tả ngược xuôi để lo thuốc thang cho con. Trong nhà chẳng còn gì đáng giá ngoài con trâu và mấy sào ruộng. Thiếu người chăm sóc nên mấy sào lúa cho thu hoạch chẳng được là bao. Giáp hạt hết gạo, vợ chồng ông lại phải vác thúng sang vay anh em làng xóm để về nấu cháo, độn sắn, thêm khoai nuôi con. Một lần ốm nặng phải vào viện, ông mới biết mọi nguyên nhân chính là do chất đioxin mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong những năm ông ở chiến trường. Buồn lo ập đến, nhưng rồi ông nghĩ “Bom đạn của kẻ thù không khuất phục được ông, ông không thể gục ngã trước những khó khăn này”. Ông động viên và cùng vợ tiếp tục “chèo lái” cuộc sống với hy vọng những đứa con của ông sẽ được khoẻ mạnh.
Năm 2003, gánh nặng gia đình vẫn đè nặng lên đôi vai nhưng ông vẫn tham gia làm bí thư chi bộ của xóm. Bằng sự tín nhiệm của tập thể chi bộ, bằng tinh thần của một người đảng viên cộng sản ông đã tham gia nhiều nhiệm kỳ. Trong suốt thời gian làm bí thư chi bộ, ông cùng các đồng chí đảng viên xây dựng chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh, lãnh đạo chính quyền và bà con nhân dân trong xóm phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Năm 2006, ông còn tình nguyện hiến 1.440m2 đất để xây dựng trường tiểu học với mong muốn con em trong xóm có trường, có lớp để học tập. Năm 2008, bước vào cái tuổi gần 60 ông thấy sức khoẻ của mình giảm sút nhiều, mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương trong cơ thể lại đau nhức, chất độc da cam lại hành ông bằng những cơn hoa mắt, chóng mặt. Ông xin nghỉ làm bí thư chi bộ.
Mấy đứa con của ông lớn lên trong sự vất vả cực nhọc của hai vợ chồng. Giờ đây, đứa đã đi lấy chồng, đứa đi làm, đứa đi học ở tận thành phố, ở nhà chỉ còn hai ông bà và đứa con tật nguyền. Mấy năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cộng với sự cố gắng của hai vợ chồng, cuộc sống của gia đình ông đã đỡ vất vả hơn. Nhờ tích cóp, ông đã làm được ngôi nhà sàn khá khang trang. Mỗi khi giở lại những huân, huy chương và tấm Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 cùng các loại Giấy khen khác ra xem ông tự hào lắm, đôi mắt ông lại nhìn xa xăm như mường tượng về quá khứ của một thời mưa bom bão đạn với những người đồng chí, đồng đội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.