Trong khi tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, dư luận đang hết sức bức xúc trước tình trạng nhiều phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài tận lực "móc túi" bệnh nhân thông qua các kết luận chuyên môn mang tính… hăm dọa và phác đồ điều trị có vấn đề thì ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều bệnh nhân, đồng thời là nạn nhân của các phòng khám dạng này, cũng đã "lên tiếng".
Thực tế tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện sự thật tương tự những nơi khác và hết sức đau lòng là nhiều phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc đã và đang trở thành những "máy chém" bệnh nhân một cách không thương tiếc, thậm chí có yếu tố vi phạm pháp luật.
Phác đồ… "câu" bệnh nhân
Chị Đ.T.K.Q, 35 tuổi (quận Đống Đa, Hà Nội) vừa trải qua thời gian hết sức căng thẳng, mệt mỏi. Trung tuần tháng 4-2012, chị Q. đến một phòng khám đa khoa có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề đang được quảng cáo ầm ĩ để kiểm tra chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi nộp 40 nghìn đồng, chị Q. được dẫn lên phòng khám phụ khoa số 5 và được một bác sĩ người Trung Quốc khám, có phiên dịch viên. Tiếp theo, chị Q. được chỉ định làm một loạt các thủ tục như soi cổ tử cung, xét nghiệm dịch âm đạo, nước tiểu, xét nghiệm tế bào lạ… Do không có điều kiện nên khi nghe bác sĩ kết luận về tình trạng bệnh chưa có gì nghiêm trọng nhưng chi phí điều trị lại quá cao, chị Q. xin ra về để tính toán. Ngay tối hôm đó, một "tư vấn viên" của phòng khám này gọi điện thông báo… tin dữ là bác sĩ phát hiện… thêm chị bị mắc một loại bệnh xã hội. Hỏi han cặn kẽ, tìm hiểu thêm qua mạng và hoảng hồn trước nguồn gốc bệnh cũng như nguy cơ có thể xảy ra, tuy nhiên chị Q. vẫn xin "tư vấn viên" thêm thời gian suy nghĩ. Ngày hôm sau, "tư vấn viên" tiếp tục gọi điện… “đe dọa” căn bệnh trên tiến triển rất nhanh, có thể dẫn đến ung thư, có thể lây truyền sang chồng con. Lúc này chị Q. thật sự hoảng loạn. Do đây là căn bệnh hết sức tế nhị nên chị không thể tâm sự cũng như xin tư vấn từ những bác sĩ quen biết đáng tin cậy nên chị đành cắn răng đến phòng khám trên để điều trị. Kết cục, chỉ sau 4 ngày điều trị tại đây, chị Q. đã phải chịu chi phí lên tới gần 25 triệu đồng. Do không thể kham nổi, chị Q. đành xin ngừng điều trị. Trong khi đó, theo yêu cầu của bác sĩ, thời gian điều trị ngắn nhất cũng phải 15 ngày.
Cay đắng ở chỗ, sau khi đã cạn kiệt tiền, đành phải sang một bệnh viện công có người quen để khám với chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng, các thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm lại cho kết quả chị Q. hoàn toàn không bị căn bệnh oái oăm trên. Sự việc không chỉ dừng ở đó. Sau khi có đơn thư gửi đến cơ quan chức năng, chị Q. liên tục bị một trong những cổ đông lớn của phòng khám này (tên V) hăm dọa, đòi "giải quyết nội bộ"(?).
Hiểu biết cũng… "chết"
Thế mạnh của các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài, hầu hết là phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề, là khả năng quảng cáo… không ngừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đây, những tô vẽ về một cơ sở y tế khám chữa bệnh chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang với đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành có trình độ chuyên môn cao đến từ các bệnh viện danh tiếng trong và ngoài nước… dần ăn sâu vào trí nhớ người dân. Từ đây, nhiều người, ngay cả người có hiểu biết, đã bị sập bẫy.
Bà L.T.B, 45 tuổi (quận Ba Đình, Hà Nội) là người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền. Ngày 22-5-2012, bà B. đến một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề, cũng đang được quảng cáo hết sức rầm rộ, để kiểm tra vòng tránh thai. Bà B. cho biết, theo quảng cáo, đây là phòng khám sản phụ khoa "có kinh nghiệm, lịch sự, tận tình và chu đáo, quy trình khám bệnh nhanh gọn, chi phí hợp lý". Từ mục đích khám vòng tránh thai thông thường, bà B. bị kết luận rất nhiều bệnh và phải điều trị hết sức phức tạp như điều trị lộ tuyến cổ tử cung bằng dao LEEP độ III, điều trị bằng bước sóng ngắn, thẩm thấu thuốc đông y qua da, truyền dịch, điều trị viêm vùng chậu... Do có điều kiện, không hề quan tâm đến chi phí mà chỉ cần điều trị dứt điểm bệnh nên chỉ trong ít ngày, từ 22 đến 26-5, bà B. đã bị "chém" hơn 38 triệu đồng. Chưa hết, trong quá trình điều trị "ma-ra-tông" tại phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc chuyên môn cao này, bà B. còn được kê đơn bán cho hai loại thuốc hoàn, một loại dung dịch (tổng số 3,5 triệu đồng). Bao bì thuốc, hướng dẫn sử dụng đều bằng chữ Trung Quốc, không có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trong số này, nhiều loại thuốc đã bị mốc trắng. Khi phản ánh với phòng khám về số thuốc mốc, bà B. nhận được câu trả lời hết sức đơn giản là… "đổi thuốc" hoặc "trả lại, lấy tiền về". Những hồ nghi của bà B. về khả năng chuyên môn cũng như y đức của phòng khám đa khoa được quảng cáo hết sức hoành tráng này dần được khẳng định khi hơn một tháng sau đó, bà B. bị tai biến - kết quả bởi phác đồ điều trị nặng về "chặt chém" bệnh nhân ở đây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và công việc hằng ngày.
Nhộn nhịp… "máy chém đa khoa", "máy chém Trung y"
Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 8 phòng khám, bệnh viện có yếu tố nước ngoài. Tại thời điểm này, các cơ quan chức năng đang phối kết hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trên. Trước đó, năm 2010, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phạt 9 cơ sở có sai phạm số tiền 103,5 triệu đồng.
Cần phải nhắc lại là trước đây, các phòng khám Đông y Trung Quốc hoạt động hết sức nhộn nhịp. Một chuyên gia Bộ Y tế cho biết, sau khi bị "dẹp", số phòng khám này đã "cải trang" sang một hình thức mới là phòng khám đa khoa. Trên cơ sở này, "các cỗ máy chém" người bệnh mặc sức hoạt động. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết, theo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân trước đây, các sở y tế địa phương chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài hành nghề trên địa bàn. Sau khi thực hiện Luật Khám chữa bệnh, trách nhiệm này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các sở y tế vẫn chịu trách nhiệm quản lý hoạt động. Theo Bộ Y tế, hiện nay cả nước có 41 thầy thuốc Trung Quốc tới Việt Nam hành nghề. Số này đang hoạt động tại 16 tỉnh, thành phố, riêng tại Hà Nội có 7 người, hành nghề tại 5 cơ sở. Trong năm 2011, Bộ Y tế không cấp thêm chứng chỉ hành nghề vì chờ hướng dẫn thực hiện Luật Khám chữa bệnh. Số bác sĩ Trung Quốc đều có bằng cử nhân y học cổ truyền do các trường đại học, học viện trung y trong nước cấp, sau đó thi chứng chỉ hành nghề rồi mới sang Việt Nam… lập nghiệp. Tuy nhiên, do tâm lý người Việt Nam "sính ngoại" nên trước đây đã có tình trạng bác sĩ ngoại rởm, giả, thậm chí một số bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề lậu theo kiểu du lịch - làm vài ngày rồi về nước. Còn theo tìm hiểu của riêng chúng tôi, một số bác sĩ Trung Quốc sau khi đã xây dựng xong cơ sở ở Việt Nam liền mở rộng địa bàn sang các nước khác, như Campuchia chẳng hạn.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, sai phạm của các phòng khám có yếu tố nước ngoài, cụ thể là các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề, là bán thuốc không rõ nguồn gốc, biển hiệu không rõ ràng, hành nghề ngoài phạm vi chuyên môn cho phép. Vấn đề ở chỗ là với mức xử phạt như hiện nay thì hầu hết số phòng khám này sẵn sàng nộp để tiếp tục hoạt động.
(Ngày 27-6, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã "tuyên phạt" Phòng khám đa khoa Maria (65-67 Thái Thịnh, quận Đống Đa) có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề 11,5 triệu đồng do quảng cáo không rõ ràng, 5,5 triệu đồng do lỗi niêm yết giá dịch vụ...).