Mẹ vẫn đợi con về

09:24, 20/07/2012

Sau chiến tranh, có những người con không trở về với mẹ. Hồn, cốt các anh hóa vào thiên thu, để mỗi chiều nơi đầu làng có người mẹ già trông ngóng, đợi con về.

Sau chiến tranh, có những người con không trở về với mẹ. Hồn, cốt các anh hóa vào thiên thu, để mỗi chiều nơi đầu làng có người mẹ già trông ngóng, đợi con về. Trong lòng mẹ, các anh còn trẻ lắm, mới mười chín, đôi mươi. Hàng triệu người mẹ Việt Nam đã chờ con trở về khi đất nước hòa bình. Và sau lời chúc mừng của ngày đại thắng, những người mẹ ấy nén lau nước mắt, lặng im, rồi trong đêm thâu chợt thảng thốt gọi tên con.

 

Cụ Lương Thị Khai, xóm La Cút, xã La Bằng (Đại Từ) là một trong những người mẹ như thế. Cụ Khai có 6 người con, 4 gái, 2 trai, 2 người con trai của cụ đều tình nguyện vào quân đội. Khi người con trai lớn là Lê Mạnh Khoát vào chiến trường miền Nam được 2 năm, thì người con trai Lê Quang Đạt tình nguyện nhập ngũ. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, người con trai lớn của cụ trở về còn mang trên mình vết sẹo đạn bom. Anh Khoát là thương binh hạng 4/4. Theo anh Khoát về với mẹ là tấm giấy báo tử ghi tên anh Đạt thành liệt sĩ. Mẹ đã không khóc nổi vì thương con. Nhưng hình ảnh người con trai hy sinh ngoài trận mạc luôn chập chờn làm mẹ trắng đêm không ngon giấc. Mẹ bảo: Đạt hiền lắm, 17 tuổi đã giấu mẹ xung phong đi bộ đội. Đi biệt luôn cho đến bây giờ vẫn chưa chịu về.

 

103 tuổi, cụ Khai vẫn minh mẫn lạ kỳ. Trò chuyện tuy có lúc bị lẫn, nhưng nhắc đến tên của người con trai hy sinh, cụ bảo: Mẹ vẫn đợi con trai mẹ về.  Anh Lê Văn Thành, cháu nội cụ cho biết: Chú Đạt hy sinh năm 1970, đến nay gia đình vẫn chỉ biết là chú hy sinh ở mặt trận phía Nam. Nhiều lần cụ hối thúc mọi người đi tìm chú Đạt. Năm ngoái, bố em có dự định sẽ lên đường đi vào miền Nam tìm hài cốt của chú mang về nghĩa trang của xã, nhưng chưa kịp lên đường thì ông đổ bệnh. Hưởng thọ 71 tuổi.

 

Năm 2008, cụ được cơ quan chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng để địa phương và gia đình xây dựng nhà tình nghĩa cho cụ. Cụ phấn khởi đón nhận tình cảm của con, cháu và ở trong ngôi nhà đó để hằng ngày hương khói thờ con. Cụ bảo: Trước, chỉ thờ con liệt sĩ, nay có thêm thằng lớn bị thương binh cùng ngồi trên ban thờ. Thôi, cũng đành để cho chúng nó có anh, có em.

 

Một bất ngờ đối với tôi khi biết tin hằng ngày cụ vẫn cùng các cháu đi nhặt lá thuốc để chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Cụ bảo: Cụ chữa hiệu quả nhất là các bệnh lao phổi, đau mắt, ho... Đến năm 2012 này cụ đã có 28 cháu nội, ngoại; 40 chắt và đã có chít gọi cụ là kị. Con cháu đông đàn, song cụ luôn nhắc đến người con trai của mình nằm lại mặt trận miền Nam. Cụ mong ước trước ngày về cõi trời, nhìn thấy hài cốt con được phủ quốc kỳ đưa về nghĩa trang liệt sĩ của xã.

 

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của xã La Bằng uy nghiêm, tôi trân trọng thắp lên đó một nén hương thành kính để tưởng nhớ hương hồn các anh. 34 người con của xã nằm lại trên nhiều miền Tổ quốc. Trong đó có liệt sĩ Lý Tài Quẩy, sau hơn 60 năm mới được chính quyền địa phương và gia đình làm lễ truy điệu, ghi danh Anh hùng liệt sĩ vào bia tưởng niệm ở Nghĩa trang liệt sĩ của xã.

 

Không có người mẹ nào trên thế giới này muốn con mình đi vào cuộc chiến tranh. Nhưng vì tự do, vì đất nước hòa bình, độc lập, những người con ưu tú của đất nước vẫn lên đường. Ở tận vùng đất cách mạng La Bằng đã có nhiều người không trở về sau ngày ra trận, nghĩa rằng có từng ấy người mẹ mất con, mong ngóng tin con trong vô vọng mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Thìn, 88 tuổi, xóm Đồng Đình, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Trượng, hy sinh năm 1968 ở mặt trận phía Nam. Cũng như bao bà mẹ trên đời, bà không tin dù đó là sự thật. Bà Thìn bảo: Tôi không sống được bao năm nữa, nhưng còn sống một ngày, tôi còn đợi con trở về, dù đó chỉ là một chút bùn đất mang hình hài con tôi.

 

Cũng ở xóm Đồng Đình, Cụ Nguyễn Thị Sỏi, 94 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thang. Hiện liệt sĩ Thang nằm ở nghĩa trang Đắc Tô, Tân Cảnh (Kon Tum). Cụ Sỏi thở dài: Bao năm nay trên bia mộ ghi tên con tôi là Thăng. Tôi đề nghị cơ quan chức năng sửa lại là Thang để linh hồn con tôi được yên nghỉ... Cụ Sỏi chân tay đã yếu nhiều, bữa ăn được lưng cơm mà lòng đau đáu thương con trong lòng đất lạnh, lạt hương lại bị ghi sai tên trên bia mộ. Anh Dương Văn Vượng, cán bộ văn hóa xã động viên: Mẹ yên tâm, chúng con sẽ làm các thủ tục cần thiết để cơ quan chức năng trả lại tên cho con trai mẹ.

 

Cụ Sỏi yên lặng bước trở về giường. Các khớp xương kêu thành tiếng cúc cắc làm cụ đau. Cũng tận khi ấy tôi mới biết trên bức tường ngôi nhà cụ đang ở cùng người con trai út - anh Nguyễn Minh Trang, Bí thư Chi bộ xóm. Bên tấm Bằng Tổ quốc ghi công là những tấm bàng khen, giấy chứng nhận khen thưởng, trong đó cụ Nguyễn Văn Phóng, chồng bà được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến, UBND tỉnh Bắc Thái tặng Bằng khen về công tác mặt trận và xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong 8 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đạt danh hiệu phụ lão 3 giỏi 1965 - 1972. Cũng ở trên tường nhà, một tấm bằng khen đã ố màu thời gian. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho ông Nguyễn Hữu Thát đã góp công, góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Cụ Thát là bố chồng của bà cụ Sỏi. Bà cụ Sỏi tự an ủi mình: Tôi không còn đủ sức khỏe để đi vào miền Nam thăm mồ con. Nhưng các con tôi đã vào đó, mang về cho tôi xem những tấm ảnh chụp bia mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thang - đứa con trai tôi yêu quý nhất.