Nghẹn một tiếng lòng

10:40, 31/07/2012

Cuối một ngõ nhỏ, lầy lội của xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), có ngôi nhà tạm gồm 8 con người sống lay lắt trong cảnh đói nghèo. Chủ nhân của ngôi nhà là cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng, nạn nhân chất độc da cam. Ông Hùng, người trụ cột của gia đình đã mất từ gần 5 năm nay. Ông để lại trên cõi nhân gian 7 con người, gồm vợ ông, bà Phạm Thị Nhi và 6 người con ngơ ngác do bị di chứng chất độc hoá học.

Bà Nhi là người lành lặn, tỉnh táo nhất. Còn 6 thanh niên - con trai bà đứa ngọng, đứa ngố, đứa ngồ ngộ. Bà Nhi gạt nước mắt: Chúng ăn như thuồng luồng nhưng chẳng biết làm gì. Mỗi năm gia đình tôi bị thiếu đói từ 3 đến 4 tháng.

 

Cùng ở xã Quyết Thắng, gia đình cựu chiến binh Hà Quang Vinh, xóm Cây Xanh cũng hằng ngày đau buốt tinh thần vì các con dở dại. Hà Thị Tuyết Mai, cái tên đẹp như thiên thần mà vợ chồng ông Vinh đặt cho con gái với bao kỳ vọng, nhưng Tuyết Mai đã không phát triển bình thường về trí tuệ, hơn 30 tuổi đời, cũng từng ấy năm Tuyết Mai sống nửa mơ nửa tỉnh, hễ thấy có người lạ đến nhà là... tụt quần ra khoe của kín. Dạo tháng 3, ngồi nhìn ngọn lửa trong bếp cháy ù ù, Tuyết Mai nhảy vào, vậy là đi bệnh viện cấp cứu. Hôm trung tuần tháng Bẩy chúng tôi đến thăm gia đình, Tuyết Mai nằm ở buồng trong, các vết bỏng chưa lành hẳn.

 

Mỗi lần ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Đioxin T.P Thái Nguyên đến thăm, tôi thấy câu chuyện giữa họ luôn ngập ngừng vì sợ nước mắt chảy tràn. Là một nạn nhân chất độc da cam, ông Phúc hiểu thấu nỗi đau của đồng đội - nỗi đau mang tên da cam/đioxin. Ông Phúc nói với tôi: Hiện thành phố có 6.657 nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NN), trong đó có 5.160 NN trực tiếp, 1.497 NN gián tiếp, nhưng hiện tại mới có 1.332 NN được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Trong số NN được hưởng trợ cấp, 112 người đã mất vì rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt hơn 50 NN đang sống cảnh bán thân bất toại.

 

Hàng trăm NN mắc bệnh hiểm nghèo, hàng trăm trẻ thơ lớn lên cùng các dị tật, dị dạng và ngơ ngác. Nhiều cựu chiến binh đã gắng gượng vượt lên nỗi đau thể xác, tinh thần để lo làm lụng, vun vén cho mái ấm gia đình. Họ tự động viên mình là được may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã nằm lại dưới lòng sông, biển, hay bị vùi lấp ở đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm.

 

Bao người lính giải phóng từ mặt trận miền Nam trở về với bài ca chiến thắng. Trong số họ, nhiều người đã không may mắn khi cùng đơn vị hành quân qua những cánh rừng trụi lá vì chất độc hoá học, và bị phơi nhiễm chất độc da cam. Thứ chất độc nền y học thế giới chưa tìm ra thuốc tẩy rửa trong cơ thể con người. Nó đeo bám người lính chiến về nơi thôn dã thanh bình, vào cả những góc thầm kín của hạnh phúc. Trung tuần tháng Sáu, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiều, phường Phan Đình Phùng đang khoẻ mạnh là thế, song chỉ một cơn đột quỵ, biến chứng vào tim, gia đình kịp đưa ông về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. Chi phí cho ca chữa bệnh hết 120 triệu đồng, những người bạn lính và bà con lối phố cũng chỉ biết đến thăm, nói lời động viên.

 

Ông Phúc cho biết: Hầu hết NN đều bị bệnh tật dày vò, kinh tế dần kiệt quệ bởi năm tháng chạy chữa bệnh tật. Điển hình như ông Đặng Công Tỉnh, Chủ tịch Hội NN phường Trung Thành, có 2 con gái thì 1 cháu là NN loại 1, ngẩn ngơ chẳng biết gì. Hội NN cũng chỉ biết đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với hội viên bằng lời nói, còn đồng quà, tấm bánh ngày tết, lễ có thấm vào đâu so với nỗi đau của NN. Song mỗi người trong xã hội có một chút sẻ chia, nỗi đau da cam sẽ vợi đi rất nhiều.

 

Vâng! “Nỗi buồn chia đôi, nỗi buồn vợi đi một nửa”. Chúng tôi theo ông Phúc tìm về những địa chỉ mang nặng di hại chiến tranh. Món quà mang theo tuy không nhiều, nhưng chất chứa niềm thương cảm mến phục. Ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt đã rưng rưng khi trao món quà cho gia đình NN Nguyễn Văn Hùng. Ông Vũ Văn Toán, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Cẩm (Hà Nội) nghẹn ngào khi trò chuyện, chia sẻ với NN Hà Vinh Quang. Cũng hôm ấy, chị Nguyễn Thị Vân Thu, một nông dân của xã Quyết Thắng đã mang tặng cho 2 gia đình NN, 500 nghìn đồng/nhà. Không nhiều, song đó là một hành động khiến mọi người cảm phục. Và hôm ấy, cán bộ, viên chức Đài Truyền thanh, Truyền hình thành phố cũng đã quyên góp, mua tặng cho gia đình ông Hùng, ông Vinh mõi nhà 1 chiếc quạt, với tâm nguyện xoa dịu nỗi đau da cam.