Nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống dịch tả lợn

08:43, 30/07/2012

Từ ngày 22/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương có lợn ốm, chết vì dịch tả, tập trung ở các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Võ Nhai và T.PThái Nguyên…

Bên khu chuồng trại trống trơn, ông Trần Văn Minh, xóm Phú Thái, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) buồn rầu nói: Trong vòng 2 tuần, nhà tôi đã chết 37 con lợn thịt và lợn nái, thiệt hại khoảng 50-60 triệu đồng. Rồi đây, không biết lấy vốn đâu để tái đàn.

 

Đàn lợn của gia đình ông Minh bắt đầu bỏ ăn từ ngày 4/7, sau đó ốm, sốt li bì. Ông đã tốn không biết bao nhiêu tiền mua thuốc chữa trị nhưng khoảng 1 tuần sau, đàn lợn chết rải rác và đến nay không còn nào con sống. Chăn nuôi lợn hơn 7 năm nhưng chưa năm nào, ông Minh bị thiệt hại lớn như năm nay. Tuy nhiên, thiệt hại của ông Minh vẫn chưa lớn bằng gia đình ông Nguyễn Văn Ngữ, xóm Pha, chủ nhân của 1 trong 5 trang trại chăn nuôi lợn ngoại ở xã. Lúc không có dịch, gia đình ông chăn nuôi 400-500 con lợn ngoại. Đầu tháng 7, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, lực lượng thú ý kiểm tra, gia đình ông vẫn đang nuôi trên 380 con. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 ngày nay, 31 con lợn của gia đình ông đã bị chết, trong đó có 6 con lợn nái, thiệt hại khoảng trên 110 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản chi phí khá lớn ông đã bỏ ra để mua thuốc chữa trị bệnh cho đàn lợn.

 

Theo thống kê của xã Lương Sơn, từ ngày 9-7 đến nay, toàn xã đã có gần 700 con lợn bị ốm, trong đó có 169 con bị chết. Lực lượng thú y đã cho lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả, đàn lợn ở Lương Sơn bị ốm, chết là do mắc dịch tả.

 

Được biết Lương Sơn không phải là địa phương duy nhất có lợn mắc căn bệnh này. Từ ngày 22-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương có lợn ốm, chết vì dịch tả, tập trung ở các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Võ Nhai và T.PThái Nguyên. Tính đến nay, tổng số lợn ốm, chết, buộc phải tiêu hủy là trên 370 con, trong đó có 230 con lợn con và lợn thịt, 122 con lợn choai, 21 con lợn nái.

 

Nguyên nhân đàn lợn mắc bệnh được xác định là do điều kiện thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển, sức đề kháng của đàn lợn. Thêm vào đó, giá lợn trên thị trường liên tục giảm do vậy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khó khăn, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao dẫn đến đàn lợn ứ đọng nhiều trong đàn, mật độ nuôi nhốt dày đặc; một số đàn lợn mới nhập đàn chưa được tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc theo quy định. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi thực hiện chưa triệt để, đồng bộ các biện pháp, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi; việc mua bán, vận chuyển, thu gom, giết mổ lợn ốm tại một số địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ.

 

Ngay sau khi bệnh xuất hiện trên đàn lợn, cơ quan thú y phối hợp với các địa phương triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn lợn như: Tiêu hủy và xử lý lợn chết theo đúng quy trình; tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hố chôn lấp, tiêu hủy lợn và khu vực xung quanh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, khu vực chăn nuôi tập trung, nơi thu gom, buôn bán, giết mổ lợn… với tổng số hóa chất đã sử dụng là 718 lít và hơn 10 tấn vôi bột… Đến nay, đàn lợn tại huyện Võ Nhai, huyện Phổ Yên đã hồi phục; tại Đại Từ số hộ có lợn mắc bệnh đã giảm, số lượng lợn hồi phục sức khỏe tăng lên. Riêng xã Lương Sơn, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn vẫn diễn biến phức tạp, dịch bệnh còn có thể phát sinh và lây lan. Ông Lê Đắc Vinh nhận định: Thời gian tới có thể còn phát sinh lợn ốm do mắc dịch tả tại một số địa phương, đàn lợn có thể ghép bệnh Tai xanh nếu không được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 

Bởi vậy, hiện nay, lực lượng Thú y đang phối hợp với các địa phương thực hiện tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn lợn theo quy định tại huyện Đại Từ và xã Lương Sơn để khống chế, bao vây ổ dịch với số lượng trên 25,6 nghìn liều vắc xin phòng dịch tả và gần 24 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tụ dấu; chỉ đạo các địa phương chưa xuất hiện ổ dịch tiêm phòng bổ sung, triển khai tiêm phòng sớm đợt 2 được trên 32,6 nghìn liều vắc xin phòng dịch tả, 33,6 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tụ dấu, 650 liều vắc xin phòng bệnh LMLM. Đồng thời, thực hiện ký cam kết không tiêu thụ lợn ốm, chết với các chủ thu gom vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn tại những xã đang có dịch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Vẫn biết người chăn nuôi đang rất lo lắng khi dịch bệnh bùng phát. Thậm chí có hộ bỏ ra rất nhiều tiều chữa trị cho đàn lợn nhưng “xôi hỏng, bỏng không”. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của lực lượng Thú y thì người chăn nuôi cũng cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch như khai báo dịch bệnh nghiêm túc; tích cực nâng cao sức đề kháng cho lợn và điều trị các bệnh kế phát do vi khuẩn theo phác đồ điều trị của cơ quan chuyên môn…