Ngôi nhà chung của những người có công

07:43, 28/07/2012

Trung tâm Điều dưỡng người có công được thành lập từ năm 2004. Mỗi năm, Trung tâm tiếp đón khoảng 2 nghìn người có công đến nghỉ dưỡng…

Đây là lần đầu tiên bà Chu Thị Ngọ, xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng huyện Võ Nhai được đến Trung tâm Điều dưỡng người có công (Sở Lao động - TBXH), xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Bà Ngọ năm nay 62 tuổi, chồng bà hy sinh năm 1977 khi đang làm nhiệm vụ quản lý tù binh Mỹ ở Nghĩa Lộ (Yên Bái), khi ấy bà Ngọ mới ngoài 20 tuổi, bà đã ở vậy nuôi một con trai duy nhất. Bà Ngọ bảo: Làm nông nghiệp quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới chỉ đủ ăn nên không có điều kiện đi đến đâu. Được Nhà nước quan tâm đến những gia đình chính sách nên năm nay tôi được đi nghỉ dưỡng. Đến Trung tâm, tôi rất vui vì có nhiều người có hoàn cảnh giống mình, khu nhà ở thoáng mát, không khí trong lành, gần hồ Núi Cốc rất nên thơ mà tôi chỉ mới được biết trên tivi.  

 

Với bà Triệu Thị Va, 77 tuổi, là vợ liệt sĩ ở xã Phú Thượng thì đây là lần thứ 2 bà được đến Trung tâm để điều dưỡng. Lần đầu bà được đi cách đây đã 4-5 năm, giờ trở lại thấy nhiều thứ đổi khác, nhà cửa khang trang hơn, cây xanh nhiều hơn, đường đi lối lại trong Trung tâm được quy hoạch, đổ bê tông sạch sẽ, đường nối giữa các nhà nghỉ với nhau và với khu bếp ăn đều có mái che thoáng mát. Bà Va bảo: Đến đây vui lắm, trưa nay tôi ăn được 3 bát cơm. Buổi sáng được đi dưới những rặng cây, hít thở không khí trong lành, cảm nhận làn gió mát rượi từ hồ Núi Cốc thổi vào thật dễ chịu!

 

Được biết, đây là đợt nghỉ dưỡng của những người có công trên địa bàn huyện Võ Nhai vừa mới đến Trung tâm được 1 ngày. Trung tâm thường tổ chức đón mỗi đợt 50-70 người ở một địa phương, vừa để thuận tiện cho huyện trong tổ chức đưa đón người có công, vừa là các cụ có quen biết nhau sẽ dễ dàng chuyện trò, gần gũi. Mỗi kỳ nghỉ có 7 ngày, với lịch sinh hoạt cụ thể của từng ngày, như: tham quan khu du lịch Hồ Núi Cốc; tập luyện thể thao với các môn: cầu lông, bóng bàn, bi-a, cờ tướng; tập luyện tại phòng phục hồi chức năng với các dụng cụ mát xa toàn thân, lắc vòng, máy chạy bộ, đạp xe; giao lưu văn nghệ với Chi đoàn thanh niên, hát karaoke màn hình lớn tại hội trường... Ngày đầu tiên các cụ đến Trung tâm được làm quen với môi trường, được cán bộ Trung tâm phổ biến nội quy, các hoạt động trong suốt thời gian nghỉ dưỡng và công khai chế độ của từng ngày để các cụ nắm được…

 

Trung tâm được thành lập từ năm 2004 với chỉ tiêu 50 giường nghỉ, đến nay đã nâng lên 70 giường. Mỗi năm, Trung tâm tiếp đón khoảng 2 nghìn người có công đến nghỉ dưỡng, trong đó có khoảng 1.700 người trong tỉnh, 300 người có công của các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Nội, Lạng Sơn gửi đến. Đối tượng là những người có công, cao tuổi nên cán bộ trung tâm chăm sóc với tình cảm đặc biệt như con cái đối với cha mẹ. Năm trước, ở Trung tâm có một trường hợp người có công mắt kém do nhiễm chất độc da cam nên khi đến đây điều dưỡng đã bị lạc và chỉ biết nói nhà mình ở trước cửa có cái ao to, còn lại không nhớ gì, cán bộ Trung tâm đã chia nhau đi tìm, sau đó liên hệ với địa phương và đưa đối tượng về tận nhà. Có trường hợp ở Phú Bình bị mất trí nhớ nên khi ra khỏi phòng không nhớ đường về, thường nói mất đồ đạc, hoặc có người đi tham quan vào động Thiên Cung thấy mỏi nên ngồi nghỉ và không nhớ đường ra...

 

Ông Hoàng Văn Tế, Giám đốc Trung tâm cho biết: Chúng tôi nghĩ rằng, người có công đã chịu nhiều thiệt thòi nên khi đến đây nghỉ ngơi, điều dưỡng, tất cả cán bộ Trung tâm đều phục vụ hết mình, không có thứ bảy, chủ nhật hay giờ hành chính với phương châm để những người có công có giấc ngủ ngon, ngủ sâu, bữa ăn hợp khẩu vị... để hy vọng bù đắp phần nào những mất mát của họ. Lần trở lại họ luôn có ấn tượng tốt đẹp và coi đây là ngôi nhà chung của những người có công với cách mạng, cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước đối với những người đã có nhiều đóng góp, cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay.