Việc giá điện tăng 5% từ ngày 01/7/2012 đang làm cho các doanh nghiệp (DN), nhất là DN sản xuất, kể cả những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ đang có chung nỗi lo lắng khi chi phí đầu vào tăng, đầu ra của sản phẩm thêm khó khăn, người dân thì phải trả thêm chi phí tiêu dùng từ việc giá điện tăng và giá của nhiều loại hàng hóa khác khả năng sẽ tăng theo…
Là đơn vị mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, Công ty cổ phần Xi măng Quán Triều (Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc) ngoài việc chịu tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế và ngành xi măng còn gặp phải những trở ngại khác. Khấu hao còn lớn trong khi Công ty vẫn đang trong quá trình thâm nhập thị trường, thị phần còn hạn chế. Công suất thiết kế là gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm, nhưng năm 2012, Công ty chỉ đặt kế hoạch sản xuất, tiêu thụ 700 nghìn tấn (6 tháng đầu năm đạt 310 nghìn tấn). Ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi đang nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho gần 400 lao động. Giá điện tăng ở thời điểm này sẽ gây khó khăn chồng chất. Trung bình mỗi tháng, Công ty phải thanh toán 8 tỷ đồng tiền điện, tăng thêm 5% nữa chi phí cho tiền điện hằng tháng sẽ đội thêm 400 triệu đồng, theo đó chi phí sản xuất 1 tấn xi măng tăng thêm 7.000 đồng. Từ khi có thông tin tăng giá điện, Công ty đã tính đến phương án tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm, ra sức tiết giảm các chi phí, đặc biệt là tiết kiệm điện trong tất cả các khâu, đồng thời đẩy mạnh các phương án tiếp thị sản phẩm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đang tồn tại một nghịch lý là trong khi giá điện tăng thì các đơn vị sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh “cùng nhau” giảm giá bán sản phẩm, kể cả chấp nhận lỗ vốn. Nguyên nhân là do đang trong mùa mưa, hoạt động xây dựng càng kém sôi động, trong khi sản phẩm xi măng không thể để tồn kho lâu ngày, hơn nữa việc duy trì thị trường là rất quan trọng. Rõ ràng, khó khăn đang chồng lên khó khăn đối với các đơn vị sản xuất xi măng.
Cũng như xi măng, ngành luyện kim vốn đã điêu đứng trước sự ảm đạm của thị trường thì việc tăng giá điện thêm 5% khiến những người quản lý DN càng “đứng ngồi không yên”. Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Nhà máy Luyện thép Lưu Xá (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) cho biết: Với mức tiêu thụ điện trung bình 13 triệu kwh/tháng, mỗi tháng chi phí tiền điện của Nhà máy xấp xỉ 16 tỷ đồng và theo giá điện mới sẽ đội lên gần 1 tỷ đồng. Theo đó chi phí sản xuất 1 tấn phôi thép sẽ tăng 27.000 đồng (đó là chưa tính sự tác động của các khoản tăng giá những nguyên liệu đầu vào sẽ tăng theo giá điện). Điều này dẫn đến chi phí sản xuất thép thành phẩm sẽ tăng, trong khi Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên chưa dễ gì có thể tăng giá bán tương ứng. Trước tình hình này, Nhà máy xác định cần tìm thêm các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường giảm thiểu tiêu hao năng lượng, nâng cao năng suất lao động…
Các DN lớn đã vậy, DN nhỏ càng khó khăn hơn khi điện tăng giá, trong khi đang phải “gồng mình” duy trì sản xuất. Tại Cụm công nghiệp Tân Thành (T.P Thái Nguyên) có 8 DN sản xuất, kinh doanh ngành hàng kim loại thì đa số đang “cầm đèn vàng” - sản xuất cầm chừng, hoặc dừng sản xuất để… chờ đợi. Công ty TNHH Thép Tú Ninh đã dừng sản xuất 2 tháng nay do khó khăn về đầu ra, chuyển hoạt động chủ yếu sang lĩnh vực thương mại. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đang có kế hoạch khôi phục sản xuất khi đã bắt đầu tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp, nhưng việc tăng giá điện buộc chúng tôi phải tính toán lại, bởi trong cơ cấu giá thành sản phẩm đúc, chi phí tiền điện chiếm tới gần 35%. Theo tôi, việc ngành điện tăng giá ở thời điểm này là không hợp lý, bởi bất kỳ yếu tố đầu vào nào tăng giá cũng khiến DN thêm điêu đứng và bị đẩy gần hơn tới bờ vực phá sản…
Trao đổi với thạc sỹ Bùi Nữ Hoàng Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Việc tăng giá điện ở thời điểm này ngoài những mặt tích cực (giảm bớt khó khăn cho ngành điện, giúp ngành này có vốn tái đầu tư, phát triển bền vững…) sẽ đưa đến nhiều hệ lụy hơn: Các DN sản xuất, kinh doanh đang phải liên tục giảm giá, khuyến mại để giải quyết lượng hàng tồn kho, nhưng sức mua cũng chưa được cải thiện nhiều. Chưa biết giá bán sản phẩm sẽ tăng được bao nhiêu theo giá điện nhưng trước mắt các DN sẽ phải mất thêm những chi phí không nhỏ cho tiền điện hằng tháng, khó khăn lớn nhất sẽ thuộc về các DN sản xuất, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng. Các DN thương mại, dịch vụ cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, người dân dù không phải trả thêm một khoản tiền quá lớn do giá điện tăng, nhưng sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn khi chúng tăng theo giá điện…
Bên cạnh vấn đề tăng giá điện vào thời điểm này, theo địa diện nhiều DN thì là chưa hợp lý, còn có một vấn đề khác cũng cần tiếp tục được nhấn mạnh, đó là: Các DN, nhất là DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực tiêu hao nhiều điện năng, và cả người dân, cần quán triệt hơn nữa tinh thần tiết kiệm điện cũng như các nguyên nhiên liệu đầu vào khác, áp dụng nhiều giải pháp để tăng năng suất lao động, như: Đầu tư cải tiến công nghệ, phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý kinh tế, hạn chế sản xuất vào các giờ cao điểm…
Ông Mạc Thanh Dương, nông dân sản xuất chè xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên): “Dù chi phí tăng thêm hằng tháng cho tiền điện của gia đình không đáng kể, nhưng tôi lo ngại sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá theo, trong khi đời sống của nhiều hộ ở nông thôn còn không ít khó khăn”.
Thạc sỹ Bùi Nữ Hoàng Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh- Đại học Thái Nguyên: “Không phủ nhận những tác động tích cực của quyết định tăng giá điện, nhưng đối với nền kinh tế lúc này, việc đó chẳng khác nào dội thêm nước lạnh vào một cơ thể đang cần sưởi ấm”.
|
- Theo Thông tư mới đây của Bộ Công thương, từ ngày 1- 7, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất đồng loạt tăng bình quân 5%. Trong đó, giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng; điện cho sản xuất sẽ là 2.306 đồng/kwh, tăng 281 đồng. - Từ ngày 11- 7 tới, giá nước sinh hoạt cũng sẽ được điều chỉnh tăng, theo đó, mức giá tối đa cho nước sạch ở đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 là 18.000 đồng/m3 và tối thiểu là 3.500 đồng/m3. |