Sĩ tử “đại gia”

08:25, 10/07/2012

Trước cổng điểm thi Trường Đại học Sư phạm, chiếc “xế hộp” giá trị bạc tỉ nhẹ nhàng dừng bánh, người tài xế vội mở cửa xe, lưng hơi khom xuống vẻ rụt rè…

Trước cổng điểm thi Trường Đại học Sư phạm, chiếc “xế hộp” giá trị bạc tỉ nhẹ nhàng dừng bánh. Người tài xế vội mở cửa xe, lưng hơi khom xuống vẻ rụt rè. Từ trong xe, một cô gái bước xuống, te tẩy đi vào trong khu vực dành cho sĩ tử. Nhiều phụ huynh có mặt ở đó nhìn theo cho tới lúc cô gái đi khuất hẳn mới bật lên thành lời: Không biết bố mẹ nó làm gì mà giàu có như vậy. Người lại bảo: Chắc bố mẹ nó phải “làm quan” ở hàng tỉnh, hoặc là chủ một doanh nghiệp có tầm cỡ xuyên Việt.

 

Một chiếc “xế hộp” khác lại trườn đến, phanh khựng như cách lái xe của mấy thanh niên thích cảm giác mạnh. Lần này là nam sĩ tử, anh tự mở cửa, đặt đôi giầy đen bóng xuống nền đường trước khu vực thi Trường Đại học Nông lâm. Tóc hoe vàng vuốt keo, quần te tua gối, áo chẽn, trông sĩ tử này như một nam tài tử trong phim điện ảnh Hàn Quốc.

 

Chắc sĩ tử này con nhà đại gia - Một người đứng cạnh tôi chậc lưỡi. Một người khác vặc lại: Không là con đại gia, con nhà giàu mà lại có xe ô tô đưa đón.

 

Trong khi chờ đợi con làm bài trong phòng thi, các phụ huynh giết thời gian bằng cách làm quen với nhau và kể chuyện giàu nghèo. Bà Trần Thị Thu (Tuyên Quang) có con thi vào Trường Đại học Sư phạm góp vui: Ở Thái Nguyên tôi cũng có anh, em, họ mạc, song để không phiền, 2 mẹ con tôi thuê một phòng ở Khách sạn Dạ Hương. Trong khách sạn tôi gặp nhiều cặp cha con, mẹ con đến đó thuê phòng ở trong thời gian đi thi.

 

Cũng có con đi dự thi đại học ở điểm thi Trường Đại học Sư phạm, ông Hoàng Văn Tuyên (Hải Dương) thuê phòng ở cho 2 bố con trong Khách sạn Đông Á. Ông bảo: Ở khách sạn 3 ngày, mất nửa tấn thóc nhưng phải cố, như thế cháu được ở thoải mái, chắc sẽ làm bài tốt hơn.

 

Nhận lời “mời rơi”. Trước hôm thi đại học, cao đẳng môn đầu của đợt 2, tôi tìm đến thăm bố con ông Tuyên. Cả tối, ông Tuyên cứ loay hoay ra, vào lo lắng cho đứa con trai. Cũng trong khách sạn này, tôi lân la làm quen với Lê Mạnh Tuấn (Vĩnh Phúc). Tuấn khoe, đây là lần thứ 2 em đi thi đại học. Vì thế em quen đường, ông bà bô không phải đưa đi thi. Trước ngày lên đường đi “tỉ thí”, ông bà bô cũng chẳng hy vọng gì, nhưng cũng đưa cho hai chục triệu tiền ăn, ngủ, nghỉ và giải street, anh đi hát hò, tẩm quất với em.

 

Tôi đã được dự một đêm vui miễn phí với Tuấn và nhóm bạn. Chương trình vui vẻ chủ yếu là hát hò, uống rượu. Trong phòng hát, các “chàng trai” đã hát như gào lên trước chiếc micro. Lúc hơn 10 giờ, cánh cửa phòng bật mở, 3 cô gái bước vào. Tuấn giới thiệu cho mọi người làm quen: Lan (Thái Nguyên) thi vào Trường Đại học Khoa học. Hương (Hà Nội), thi vào trường Nông lâm. Nga (Cao Bằng) thi vào Khoa Quốc tế. Còn Chiến (Hà Giang) thi vào Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp. Cường (Thanh Hóa) thi vào Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh… Gần chục người tất cả - họ quen nhau và nhanh chóng hò hẹn kết bạn. Bữa tiệc karaoke tôi được mời dự toàn sĩ tử con nhà lắm tiền nhiều của. Bày trên bàn độc rượu ngoại tràn ly, thuốc lá Tây hun kín phòng, một vài người hát chán thì mang tiền đô la ra chơi trò may rủi. Đến 23 giờ, cả nhóm đã hát chán mới bảo nhau giải tán. Trong men rượu chuếnh choáng, Cường, Chiến cùng mấy bạn trai phàn nàn bị thua vài trăm đô. Còn Lan, Hương và Nga thở dài, bảo: Chán chết, mấy bạn đúng là anh hùng rơm, chưa tối đã đòi về. Bây giờ tớ mời các bạn đi ăn cháo.

 

Cả nhóm tranh nhau trả tiền phòng hát. Rồi cùng kéo nhau ra đường, lên taxi. Nga bảo với người lái xe: Bác cứ đưa chúng cháu thẳng tiến đến một quán cháo nào đó ngon nhất T.P Thái Nguyên này. Lại chân gà, rượu trắng, các sĩ tử nam, nữ cứ mỗi lần hô zô là nghe cái ực, 100% cạn chén… Hơn 1 giờ sáng hôm sau, ai nấy uể oải, mấy cô bạn gái bước ngã dúi dụi. Tuấn nháy mắt với tôi một cách ma mãnh khi dìu người bạn gái mới quen về phòng nghỉ.

 

6 giờ sáng ngày 9-7, tôi lại có mặt ở khu vực cổng điểm thi Trường Đại học Sư phạm. Nhiều sĩ tử được bố mẹ hoặc người thân đưa đến trường thi bằng “xế hộp”, nhưng họ giản dị hơn những người bạn tôi gặp hôm trước. Họ bước vào phòng thi với vẻ lạc quan, tin tưởng với những kiến thức được trang bị. Song tiếc rằng trong số những người bạn “đốt tiền” đêm qua của tôi, có vài người không đến được phòng thi.