“Thâm nhập” vùng lõi Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng

15:16, 23/07/2012

Trước những thông tin nóng bỏng về tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, nằm trên địa bàn 6 xã phía Bắc của huyện Võ Nhai, chúng tôi đã có cuộc thâm nhập tại một trong những điểm được cho là “nóng” nhất của khu vực này để xác thực lại nguồn thông tin trên. Và thực tế không giống như chúng tôi hình dung ban đầu…

7giờ 40 phút ngày thứ Bảy (21/7), chúng tôi có mặt tại chân núi Lân Nghiềng (nơi giáp ranh giữa hai xã Nghinh Tường và Sảng Mộc), điểm khởi đầu của một hình trình gian nan để đến vùng lõi của Khu bảo tồn. Là người quen đi rừng nên ông Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai đã kinh nghiệm dắt theo con dao phát của người dân tộc bên mình và tự tay chặt vài chiếc gậy tre đưa cho anh em trong đoàn. Mọi người không ai bảo ai đều nai nịt gọn gàng, khăn, mũ, giầy tất, nước uống… đầy đủ, tất cả hướng về phía núi rừng đại ngàn thẳng tiến.

 

Mất khoảng 2 giờ leo dốc, có những chỗ dựng đứng phải tựa vào nhau mới lên được, chúng tôi bắt gặp một bãi đất trống bằng phẳng nằm trên đỉnh của ngọn núi Lân Nghiềng. Đây có lẽ là bãi tập kết gỗ của các đối tượng khai thác lậu bởi vẫn còn một số thanh gỗ xẻ ngắn, dài đủ loại nằm ngổn ngang. Mấy cán bộ Kiểm lâm địa bàn đi cùng xác định: Đây toàn bộ là gỗ tạp, thuộc nhóm 5, 6 với các loại cây như dẻ đỏ, ngát, kháo, da đen… Có những cây gỗ được khai thác đã lâu (chưa được cấp phép khai thác), nằm trong danh sách thống kê của Kiểm lâm địa bàn, tới đây sẽ chuyển về trạm xử lý. Khu vực này thuộc điểm rừng phòng hộ và sản xuất đã giao cho người dân địa phương bảo vệ và được phép khai thác tỉa thưa khi có đầy đủ thủ tục pháp lý.

 

Đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình ngược dốc để đến với vùng lõi. Lúc này mặt trời đã lên ngang đầu, cái nắng, cái nóng làm mọi người trong đoàn muốn lả đi, bắp chân, thớ thịt như căng ra, bó chặt lại không còn muốn nhấc lên nữa. Hai chai nước chia đều cho mỗi người đầu buổi sáng giờ gần như đã cạn. Ai nấy nhìn nhau và tự động viên bước cố vì biết chỉ còn gần một tiếng đi bộ nữa là tới bản Nà Lẹng, nơi có đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Một số người phải cởi áo vắt mồ hôi, số khác không theo kịp đành tụt lại phía sau…

 

Lên đến bản Nà Lẹng, nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ. Mọi người tranh thủ “tiếp nước” cho cơ thể rồi lại bước tiếp. Lúc này đường đi không có những con dốc tức ngực như phái dưới, nhưng toàn đá tai mèo sắc nhọn. Mọi người luồn lách vào trong khu rừng già, nhiều chỗ phải dùng dao phát mới tìm được lối đi. Anh Nguyễn Quang Lịch, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nói với mọi người: Chúng ta đã đặt chân tới vùng lõi của Khu bảo tồn rồi đấy. Nơi đây có nhiều loại cây gỗ quý như nghiến, trai, lý, sến... Hiện tượng chặt phá rừng ở đây vẫn còn diễn ra, nhưng do địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn nên rất khó cho công tác quản lý của chúng tôi.

 

Tuy nhiên, tại đây vẫn còn tình trạng khai thác trái phép những cây gỗ tạp có đường kính lớn

 

Sau gần một tiếng tìm kiếm, mọi người đã phát hiện thấy một số điểm khai thác gỗ lậu của “lâm tặc”. Khác với hình dung của chúng tôi và cũng khác với thông tin phản ánh của dư luận rằng điểm khai thác gỗ lậu tại đây rất “hoành tráng”, giống như một xưởng xẻ gỗ mini, nhưng thực tế chỉ là những bãi bìa, bắp đã mục nát phần rác, dấu tích để lại của việc khai thác trái phép từ nhiều năm trước. Thỉnh thoảng có vết cưa lốc khá mới khai thác tận dụng từ những phần ngọn, cành, bìa, bắp của cây gỗ nghiến đã bị đốn hạ từ trước. Một lãnh đạo xã Nghinh Tường cho rằng, “hết nạc thì vạc đến xương”, hàng chục năm trước các đối tượng đã đốn hạ và lấy hết phần thân chính của cây gỗ nghiến rồi, giờ chúng “mót” lại phần bìa, bắp thôi. Nhưng như vậy cũng là không được vì để tình trạng này diễn ra lâu sẽ dễ nguy hại đến “tính mạng” của những cây nghiến đang còn sống tại khu vực này. Và thực tế, việc để các đối tượng vào khai thác “tận thu” bìa, bắp nghiến đã khiến một số cây gỗ có đường kính lớn (mặc dù là gỗ tạp) bị đốn hạ.

 

Theo một người dân họ Triệu đang sinh sống trong bản Nà Lẹng thì các đối tượng khai thác rừng trái phép đã “tiện tay” đốn hạ một số cây gỗ khác để đỡ mất công một chuyến vác cưa lên rừng. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ các hộ dân sinh sống ở bản Nà Lẹng đều không tích trữ gỗ tại nhà, nhiều ngôi nhà sàn còn phải dùng bạt để che phần lan can. Như vậy, có thể thấy đối tượng khai thác chính không phải là người dân bản địa mà chủ yếu là các đối tượng ở nơi khác đến. Hôm chúng tôi có mặt tại đây, hiển nhiên không thấy xuất hiện một đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép nào…

 

Qua đây có thể khẳng định, việc vẫn còn tình trạng khai thác gỗ trái phép ở vùng lõi của Khu bảo tồn là có thật bởi thực tế vẫn còn những vết cưa xẻ rất mới, một số cây gỗ tạp vừa bị đốn hạ, thân còn nằm ngổn ngang và một con đường vận chuyển gỗ xuống chân núi bằng trâu kéo với những vết trượt nhẵn bóng. Chỉ có điều, tính chất nghiêm trọng được mô tả bằng những cụm từ “hút máu”, “xẻ thịt” hay “tàn phá” rừng già giống như một số nguồn tin cung cấp thì không đến mức như vậy. Mặc dù thế, theo chúng tôi lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phải có ngay phương án bảo vệ rừng quyết liệt hơn, tránh tình trạng để các đối tượng tự do vào vùng lõi của Khu bảo tồn khai thác trái phép. Nếu để lâu, nguy cơ rừng gỗ quý tại khu vực này bị tàn phá là hoàn toàn có thể xảy ra.

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng tổng diện tích hơn 17.000 ha rừng nằm trên địa bàn 6 xã là: Thần Sa, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Thượng Nung Phú Thượng . Ban quản lý Khu Bảo tồn được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2011. 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng Kiểm lâm tại đây đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 123 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó có 13 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 1 vụ phá rừng trái phép, 51 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 53 vụ cất giữ lâm sản trái phép với tổng khối lượng lâm sản bị tịch thu là trên 390 m3 gỗ quy tròn.