Tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn

07:22, 28/07/2012

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7), phóng viên Báo Thái Nguyên đã có phỏng vấn đồng chí Dương Xuân Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về phong trào CNVC và vai trò của tổ chức công đoàn.

P.V: Đồng chí cho biết những nét nổi bật của phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn trong thời gian qua?

 

 

Đồng chí Dương Xuân Hùng: Năm 2012 là năm các cấp công đoàn tỉnh thi đua lập thành tích kỷ niệm 83 Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XV, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam. Các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy, công đoàn cấp trên; tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp trong việc triển khai các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời điểm. Công tác tuyên truyền, giáo được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng, đặc biệt là phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo, thu hút hàng vạn CNVCLĐ tham gia, góp phần tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp.

 

Công tác phát triển đoàn viên được thực hiện có hiệu quả, từ đầu năm đến nay đã phát triển được 1.366 đoàn viên, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 14.500 đoàn viên, (đạt 96%  kế hoạch); chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở được quan tâm chú trọng. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng được tổ chức công đoàn thường xuyên quan tâm. Từ đầu năm đến nay, công đoàn các cấp đã kiểm tra và phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật lao động tại 157 đơn vị, doanh nghiệp, qua đó hạn chế việc vi phạm pháp luật đối với người lao động...

 

P.V: Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, đồng chí cho biết điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh?

 

Đồng chí Dương Xuân Hùng: Luật Công đoàn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 20-6-2012 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức công đoàn, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước". Khi có Luật, địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn đã được khẳng định trong hệ thống chính trị xã hội, xác định rõ vai trò, vị trí, quyền hạn trong việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động trong thời kỳ đổi mới. Luật Công đoàn (sửa đổi ) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 1990, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.

 

P.V: Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, tổ chức Công đoàn có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Dương Xuân Hùng: Tổ chức công đoàn sẽ tập trung tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở để nắm bắt tình hình tư tưởng, việc làm, đời sống người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó nghiên cứu thấu đáo các vấn đề liên quan, các cơ chế chính sách để kịp thời phối hợp, trực tiếp tham gia với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp giải quyết vướng mắc; tham gia đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, chuyên môn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo việc làm, đời sống của CNVCLĐ trong các doanh nghiệp; động viên CNVCLĐ hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, đoàn kết chia sẻ khó khăn và gắn bó tạo sự phát triển bền vững trong doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tư vấn pháp luật, tổ chức kiểm tra, phối hợp kiểm tra về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, giúp cho người lao động hiểu được trách nhiệm cũng như quyền lợi để có thể tự bảo vệ mình; phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thông qua qua việc nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội CNVC, hội nghị người lao động hàng năm, nhằm phát huy quyền làm chủ của người lao động, trong đó chú trọng về việc ký kết thỏa ước lao động, ký HĐLĐ, xây dựng thang bảng lương, thực hiện BHXH, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách với lao động nữ... Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó giữa chuyên môn và công đoàn, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển trong doanh nghiệp.

 

Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Các cấp công đoàn trong tỉnh xác định tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp hoạt động để có những đề xuất tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!