Trong khi nhiều hộ dân còn tính toán thiệt hơn từng tấc đất với Nhà nước, thậm chí có những hộ dân còn xây dựng các công trình trên diện tích đất quy hoạch nhằm đón đến bù thì có không ít người dân nghèo xã Cù Vân (Đại Từ) đang tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới.
Gia đình chị Trần Thị Tiến, xóm 4, nhiều năm nay vẫn canh tác đều 2 vụ lúa/năm tại cánh đồng của xóm. Nhưng từ khi có chủ trương của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có việc mở rộng và đổ bê tông các tuyến đường giao thông liên xóm, gia đình chị đã ngừng cấy vụ xuân, không ngần ngại hiến trên 200m2 đất ruộng để phục cho việc mở rộng tuyến đường. Chị Tiến cho biết: Bao năm nay đi trên con đường nhỏ lầy thụt mỗi khi trời đổ mưa, người dân chúng tôi quá ngán rồi. Vì lợi ích chung của cộng đồng, gia đình tôi bàn nhau hiến đất để Nhà nước làm con đường to hơn phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân chúng tôi đỡ khổ.
Từ khi có cuộc phát động xây dựng NTM, cũng như gia đình chị Tiến, nhiều hộ trong xóm 4 đã tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Ông Trương Mạnh Thảo, Trưởng xóm 4, nhẩm tính: Cho đến thời điểm này trong xóm đã có 19 hộ hiến đất với diện tích trên 3 nghìn m2. Hơn ai hết họ là những người hiểu khi con đường được xây dựng, ngõ xóm được mở rộng thì chính những người dân địa phương được hưởng lợi nhiều nhất.
Bà Trần Thị Thành, Trưởng xóm 5, không giấu được niềm vui khi “khoe”: Người dân xóm tôi cũng vừa hoàn thành gần 400m đường liên xóm, góp phần nối dài con đường bê tông lên 4,5km từ xóm 2 đi xóm 5. Với mức đóng góp 160 nghìn đồng/khẩu, hơn 150 hộ dân trong xóm đã chung sức cùng Nhà nước lên được tuyến đường với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Được biết, Cù Vân là một trong 7 xã điểm của huyện Đại Từ triển khai xây dựng NTM giai đọan 2011-2015. Đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, hiện nay, Cù Vân mới đạt 7/19 tiêu chí gồm: an ninh trật tự, giáo dục, y tế, hộ nghèo, bưu điện, điện, hệ thống chính trị. Trong các tiêu chí chưa đạt khó khăn nhất đối với Cù Vân vẫn là đường giao thông và thủy lợi. Toàn xã có gần 50km đường liên xóm thì hiện mới có 6,2km là đường bê tông, còn lại là đường cấp phối. Ngay các tuyến đường liên xóm đã được đổ bê tông này lại không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Chủ yếu mặt đường chỉ rộng 2 - 2,5m, trong khi tiêu chuẩn là 5m. Về thủy lợi, toàn xã mới cứng hóa được 22km trong tổng số gần 43km kênh mương nội đồng. Tuyến kênh mương chính dẫn nước từ hồ Phượng Hoàng phục vụ sản xuất cho cánh đồng xóm 1, 2, 3, 7, 8, 10, 12, 13, 14 vẫn là kênh đất, nên thất thoát nước nhiều. Những xóm ở cuối kênh như 7, 8, 14 thường xuyên bị hạn vào vụ xuân, người dân đành phải chuyển sang trồng màu vì không có nước.
Đồng chí Lê Quốc Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Cù Vân cho biết: Để giải quyết tốt vấn đề này, Thường trực Đảng ủy xã đã bàn bạc dân chủ, quán triệt sâu sắc đến cấp ủy, chi bộ, ra nghị quyết tập trung lãnh đạo trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất các trục đường xã. Theo đó, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn được giao nhiệm vụ làm tốt công tác, tuyên truyền, vận động để các đoàn viên, hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Qua đó, giúp người dân nhận thấy rõ về lợi ích lâu dài khi hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Khi có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ, từng gia đình sẽ tự nguyện hiến đất, tháo dỡ mặt bằng để làm đường. Từ cách làm đó, hơn 11.500m2 đất ruộng đang sản xuất, đất thổ cư và nhiều cây màu… đã được người dân tự nguyện đăng ký hiến đất làm đường.
Có thể thấy rõ những con đường giao thông nông thôn khang trang, rộng rãi đang thực sự làm đổi thay bộ mặt làng quê. Rồi đây, những con đường mới nữa ở các địa phương trong huyện sẽ tiếp tục được xây dựng từ sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân để từng bước giúp xây dựng nông thôn mới tại mảnh đất này…