Vấn đề mà nhiều người dân quan tâm thời gian gần đây là việc đề nghị điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế của Bộ Y tế có hiệu lực từ 15-4-2012. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, Sở Y tế giao cho các bệnh viện xây dựng khung giá đề nghị điều chỉnh và sẽ thông qua tại kỳ họp HĐNĐ tỉnh lần này.
Ngày 16-3-2012, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời trực tuyến về vấn đề điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế như sau: Giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính một phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng tính một phần viện phí. Trong khi đó, lương cơ bản tới nay đã tăng 6,9 lần so với năm 1995, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành Y tế cũng tăng theo thị trường. Mức thu dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng dịch vụ y tế thấp, nên đã không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người có điều kiện thì tìm tới dịch vụ trả tiền. Trong cấu thành tăng giá viện phí có 7 yếu tố thì lần này mới chỉ tính 3 yếu tố điều chỉnh, đó là: các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm... ); chi phí điện, nước; chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, nghĩa là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu khao thiết bị, máy móc... Mức điều chỉnh tăng từ 2 đến 4 lần, một số dịch vụ tăng 6 lần. Đối tượng mà chúng ta vẫn lo nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số... việc tăng viện phí sẽ khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng hiện nay, Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT 95% đối với hộ nghèo, 75% đối với hộ cận nghèo. Ngoài ra, còn ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám bệnh cho người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo (chạy thân nhân tạo, ung thư... ), được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh...
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đến Bệnh viện Gang Thép, bệnh viện tuyến tỉnh hiện có trên 3.300 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị cho người dân các xã, phường phía nam T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình, một số hộ dân tỉnh Bắc Giang... Ông Nguyễn Huy Thắng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Sở Y tế giao cho Bệnh viện xây dựng danh mục đề nghị tăng giá một số dịch vụ về xét nghiệm và các thủ thuật chuyên khoa: tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt. Chúng tôi đã xây dựng được 50 trong số 101 danh mục đề nghị tăng giá và tăng khoảng 65% so với giá quy định của Bộ. Tuy nhiên, qua thực hiện chúng tôi thấy, việc điều chỉnh tăng viện phí theo quy định của Bộ Y tế lại thấp hơn giá đang thực hiện tại Bệnh viện (theo mức điều chỉnh năm 2006).
Với bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thì trong đề nghị điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế lần này, Bệnh viện có chủ trương điều chỉnh 70% số dịch vụ trong tổng 439 dịch vụ kỹ thuật điều chỉnh giá của Bộ Y tế và điều chỉnh tăng bình quân 60-70% so với giá tối đa do Bộ Y tế quy định. Ông Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Việc đề nghị điều chính tăng giá viện phí lần là phù hợp và cần thiết, tuy nhiên, trên thực tế, kể cả khi tăng giá kịch trần theo quy định của Bộ Y tế thì một số dịch vụ vẫn chưa đủ chi phí, bởi giá thuốc, vật tư thiết bị y tế tăng giá hàng ngày, có những dịch vụ đã 17 năm chưa tăng giá... Mức tăng giá dịch vụ như hiện nay chưa đáp ứng được hết yêu cầu về mặt điều trị và nâng cao chất lượng điều trị. Bệnh viện có đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản, có thể thực hiện kỹ thuật khó, nhưng đi kèm với đó phải có phương tiện, máy móc, dụng cụ, thuốc men... Giá những thứ đó đều là giá quốc tế, nếu chúng ta không thu đủ, không có tiền để mua sắm thì phần thiếu đó người bệnh phải bù lại bằng cách này hay bằng cách khác...
Bà Nguyễn Thị Bích Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở giao cho các bệnh viện xây dựng cơ cấu giá, sau đó cùng với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội thẩm định từng dịch vụ. Trong 447 dịch vụ Bộ cho phép đề nghị điều chỉnh giá lần này thì có nhiều dịch vụ mà các cơ sở y tế đang làm nhưng lại không có trong danh mục điều chỉnh giá hoặc có những dịch vụ Bộ cho phép điều chỉnh nhưng các bệnh viện lại không có, vì thế, Sở có văn bản trình HĐND tỉnh điều chỉnh 305 dịch vụ, với mức tăng bình quân 65,5% so với giá tối đa Bộ Y tế quy định. Hiện nay, chúng ta đang chỉ tính một phần viện phí, nếu như viện phí được tính đúng, tính đủ, càng nhiều người tham gia BHYT, những người khỏe giúp đỡ cho những người yếu thì phần đó BHYT sẽ thanh toán phần lớn cho người bệnh. Như vậy, người bệnh có thẻ BHYT là người có lợi chứ không phải việc tăng viện phí làm cho người bệnh, những người nghèo không có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế...