Bê tông hóa đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp các địa phương phát triển kinh tế xã hội, thế nhưng đối với xã vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn như Tân Long (Đồng Hỷ) thì rất khó để thực hiện được điều này. Hiện nay, toàn xã có gần 50km đường giao thông liên xóm, liên xã nhưng mới chỉ bê tông hóa được 5km.
Chúng tôi đã “mục sở thị” các tuyến đường liên xóm ở đây khi những đợt mưa rào cuối tháng 7 vừa dứt. Con đường từ trung tâm xã đến xóm Đồng Luông chưa đầy 5 cây số nhưng chúng tôi phải khá vất vả mới đến nơi bởi đường đi không những gập ghềnh mà nhiều đoạn còn lầy lội với những “ổ gà”, “ổ trâu” tạo thành những cái ao nhỏ san sát. Dọc đường đi, mỗi khi gặp người dân, hỏi ai cũng chỉ biết lắc đầu, ngao ngán.
Anh Nông Văn Quyết, trưởng xóm Đồng Luông cho chúng tôi biết: Xóm này vẫn được coi là một trong những xóm có đường dễ đi nhất xã, vậy mà chỉ có trục chính của là ô tô có thể lưu thông được, còn những đường liên ngõ thì rất hẹp. Ở đây, gia đình nào muốn xây nhà phải thuê người khuân vác vật liệu từ trục chính về vì ô tô không chở được vào tận nơi. Những hôm trời nắng đường còn dễ đi chứ nếu trời mưa nước từ trên núi cao đổ xuống, nhiều đoạn chỉ có cách đi bộ. Vì vậy, tuy Đồng Luông gần trung tâm xã nhất mà kinh tế vẫn phát triển rất chậm, vì đường giao thông khó khăn nên việc tuyên truyền áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất cho bà con còn hạn chế, các sản phẩm nông sản nếu bán cho những đầu mối đến thu mua thì bị ép giá còn nếu đem ra chợ trung tâm xã bán thì bà con phải rất vất vả mới ra đến nơi. Hiện nay, toàn xóm có 150 hộ thì có tới hơn 50 hộ nghèo.
Rời xóm Đồng Luông, chúng tôi đi sâu vào xóm Lân Quan là xóm các hộ người dân tộc Mông sinh sống. Bất chợt, một cơn mưa sầm sập kéo đến và trong chốc lát nước mưa đã trút xuống trắng xóa mặt đường. Chỉ mươi phút sau, con đường có nhiều đoạn trở nên nhão nhoét, trơn truội. Nhiều con dốc cao trải qua vài trận mưa rào bị nước xối mạnh đã tạo thành những đường rãnh kéo dài từ đỉnh xuống chân dốc khiến chúng tôi phải gồng mình, giữ chặt tay lái mới không bị ngã. Cơn mưa càng lúc càng to, chúng tôi cho xe dừng ở một hộ dân trong xóm để xin trú mưa. Trong cuộc trò chuyện, ông Chẩn Văn Giàng (chủ nhà) cho biết: bà con ở đây vất vả lắm, đường đi lại khó khăn mà chợ thì ở xa nên hạt ngô hạt gạo làm ra không có chỗ bán. Vài tháng tôi mới ra chợ xã một lần để mua mắm muối về dự trữ ăn dần đấy.
Mưa ngớt, theo sự chỉ dẫn của ông Giàng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ leo ngược lên núi tìm đến nhà anh Dương Văn Kỳ, trưởng xóm Lân Quan để tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân nơi đây. Men theo con đường mòn lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp vài người dân cả người già lẫn trẻ nhỏ gập lưng cõng những gùi ngô đầy xuống núi bán. Sau gần 1 tiếng, chúng tôi cũng đến được nhà trưởng xóm đúng lúc anh đang cùng 2 cậu con trai hứng nước mưa để tắm, giặt.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Kỳ cho biết: Toàn xóm có 75 hộ, hơn 400 khẩu thì 100% số hộ thuộc diện nghèo. Bà con ở Lân Quan nuôi được con lợn, con gà nào hầu như rất ít tiêu thụ ra ngoài mà chỉ để cải thiện bữa ăn gia đình hoặc phục vụ nhu cầu trong xóm. Hạt ngô, hạt gạo làm ra cũng không vận chuyển được ra ngoài mà phải bán cho thương lái đến thu mua nên giá cũng thấp hơn ngoài thị trường từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg. Khổ nhất là các học sinh ở đây, bố mẹ bận làm nương rẫy nên phần lớn các em mới 4 tuổi đã phải tự mình xuống núi đi học, có những em phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được phân trường của xóm. Vào mùa mưa, nước từ trên núi cao đổ xuống khiến con đường mòn gần như biến mất nên các em phải nghỉ học hoặc nếu có đến được trường thì quần áo cũng ướt sũng, lấm lem bùn đất. Chính vì vậy, nhiều em ngại đến trường và không thích đi học. Ở xóm hiện chưa có em nào học lên đến cấp III, đa số các em chỉ học hết tiểu học hoặc chưa học hết cấp II đã nghỉ.
Trao đổi với chúng tôi về việc khó thực hiện đường bê tông ở địa phương, ông Lăng Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Toàn xã hiện có 9 xóm nhưng chỉ 2 xóm có đường bê tông là Mỏ Ba và Làng Mới với tổng chiều dài 5km, còn lại hơn 40km ở các xóm khác vẫn là đường đất, sỏi. Đặc biệt, hầu như xóm nào cũng có những con dốc cao hay có các dòng suối chảy qua nên việc trao đổi hàng hóa của bà con cũng như việc đến trường của học sinh càng trở nên khó khăn.
Những nguyên nhân khiến cho đường bê tông ở đây khó thực hiện có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đơn cử như tỉ lệ hộ nghèo còn cao đã ảnh hưởng đến việc khó huy động tiền đối ứng từ nhân dân (toàn xã hiện có gần 1.300 hộ dân thì có tới trên 50% hộ nghèo); địa hình của xã rộng, không bằng phẳng, đường giao thông dài gấp nhiều lần so với các xã vùng đồng bằng, trong khi đó dân cư lại sinh sống rất thưa thớt, thậm chí mỗi hộ sống cách nhau cả một quả đồi nên muốn làm được đường bê tông đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn…
Đối với một xã có tới hơn 200ha rừng, 140ha chè, gần 700ha ngô, lúa thì việc có con đường bê tông để vận chuyển nông sản được thuận lợi là mong mỏi lớn nhất của bà con nhân dân xã Tân Long. Nhưng, để làm được điều đó thì những xã miền núi như thế này rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Có như vậy, các hộ dân mới yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế để góp phần xây dựng nông thôn mới.