Đã có 1 người chết tại Hà Nội; bão số 5 đã cuốn trôi 23 bè nuôi thủy sản của người dân tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã cứu được 41 người trên các bè nuôi thủy sản.
Thiệt hại đầu tiên về người do bão số 5 gây ra được ghi nhận tại Thủ đô Hà Nội, do ảnh hưởng cơn bão số 5, chiều 17/8 tại Hà Nội đã xảy ra mưa lớn kèm gió giật mạnh. Cơn mua giông đã khiến 1 người chết và một người bị thương do cây xanh bật gốc, gãy đổ đập vào xe khi đang lưu thông.
Khi đang di chuyển qua số nhà 97 phố Lò Đúc, Hà Nội, xe ô tô taxi của hãng Mai Linh bất ngờ bị cây bật gốc đè lên, làm lái xe chết tại chỗ. Trên phố Tràng Thi một cây xanh bật gốc cũng đè lên ôtô mang Biển kiểm soát 30P - 1768, khiến một người ngồi trong xe bị thương. Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhân viên Công ty Công viên cây xanh phối hợp với lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh đã có 81 cây xanh bị gẫy đổ, chủ yếu trên đường Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Lò Đúc, đường Tràng Thi- Phủ Doãn... Tại các tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh, phố Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Thái Thịnh, Nguyễn Khuyến, ngã ba Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương…cũng xảy ra tình trạng ngập úng với độ sâu từ 0,15m đến 0,2m.
Ngay khi xảy ra mưa, Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Hiện, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh đang triển khai kế hoạch đến các đơn vị để phòng chống cơn bão số 5 theo phương án thoát nước mùa mưa, bố trí lực lượng cán bộ công nhân viên xung kích trực 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Vào 21h tối 17/8, tại Móng Cái, gió bão cuốn trôi 23 bè nuôi thủy sản của người dân. Lực lượng chức năng cũng đã cứu được 41 người trên các bè nuôi thủy sản bị gió bão cuốn ra khu vực cảng Vạn Gia (Móng Cái).
Điện lực Quảng Ninh đã chủ động cắt điện tại các huyện Đầm Hà, Hải Hà, thành phố Móng Cái và thành phố Hạ Long để đề phòng sự cố, do tại các nơi này đều có mưa và gió rất to. Tuy nhiên, thông tin liên lạc vẫn đảm bảo thông suốt.
Mặc dù bão đã đổ bộ vào đất liền, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên quyết yêu cầu các địa phương, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chuẩn bị các phương án xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra do hoàn lưu bão gây ra. Với các tuyến đê sông, đê biển xung yếu đã chuẩn bị các phương án di dân khi xảy ra ngập úng, sạt lở đất, mưa lớn và nước biển dâng cao.
Các huyện Hải Hà, Đầm Hà, thị xã Quảng Yên gia cố kịp thời hệ thống đê và có phương án sửa chữa khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt tuyến đê Thạch Lam – Hải Xuân của thành phố Móng Cái đang trong quá trình thi công. Hiện hoạt động bốc xếp hàng hóa tại các cảng biển đã tạm ngừng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Toàn tỉnh Quảng Ninh có gần 600 chiếc tàu du lịch, tất cả các tàu cá đã được đưa đi tránh bão. Các tour du lịch thăm quan Vịnh Hạ Long đều được hủy bỏ thay thế bằng các chương trình khác nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Ông Đặng Minh Tú, Cảng phó Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy cho biết: Riêng với cảng Bãi Cháy có 370 tàu du lịch đăng ký hoạt động, thực tế 320 tàu hoạt động thường xuyên. Việc dừng cấp giấy phép rời cảng đã được thực hiện từ sáng ngày 17/08, toàn bộ các tàu du lịch đã trú bão an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy bộ độ Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị tuyến biên giới đã phối hợp với chính quyền các huyện biên giới như: Bình Liêu, Hải Hà, thành phố Móng Cái xác định những điểm có nguy cơ sạt lở cao và sẵng sàng lực lượng, phương tiện để xử lý. Tuy nhiên theo báo cáo của lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục ngay đó là cần nâng cao ý thức tự phòng chống bão của người dân, như tại khu vực làng chài phường Hùng Thắng (thành phố Hạ Long) một số khu vực thuộc cảng Vân Đồn còn neo đậu tàu thuyền sát nhau nếu bão vào khu vực này dễ va đập làm vỡ tàu. Vẫn còn tình trạng có người trên lồng, bè cá ở làng chài Hùng Thắng (thành phố Hạ Long).
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cũng xác nhận có người dân tại các bè cá thuộc làng chài Hùng Thắng, nhưng không phải ở khu vực nuôi cá trên biển mà ở các vũng sâu ven bờ là nơi các bè cá được kéo vào tránh trú bão và người dân trên bè trông coi tài sản.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ rạng sáng ngày 17/8, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái đã xảy ra mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Đáng chú ý là mưa dông kèm theo lốc mạnh đã gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, mưa dông đã làm hơn 10 căn nhà, phòng học bị hư hại, tốc mái; hơn 100ha lúa bị ngập úng; hàng chục ha hoa màu bị thiệt hại; gần 1ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị đổ, gãy. Ngoài ra, dông lốc còn làm đổ gãy 3 cột điện hạ thế.
Các địa phương đang nhanh chóng khắc phục và hỗ trợ người dân; khuyến cáo người dân chủ động phòng chống mưa đá, lốc xoáy, dựng các thiết bị chống đỡ cho nhà, chuồng trại... nhằm tránh những thiệt hại do mưa dông gây ra, đồng thời chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 5.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa lớn trên diện rộng kèm gió lốc thổi mạnh khiến hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái. Tại huyện Lục Yên, mưa lớn và gió lốc đã làm sập đổ hoàn toàn 11 ngôi nhà và hàng chục ngôi nhà khác bị tốc mái, thiệt hại nhiều nhất ở các xã: Khai Trung, Lâm Thượng, Động Quan… Huyện Văn Yên và huyện Trạm Tấu cho biết, hiện trên địa bàn đã có hàng chục nhà bị tốc mái và sập hoàn toàn, do trời tối và trên địa bàn đang có mưa lớn nên chưa có số liệu thống kê đầy đủ.
Do sự việc diễn ra vào lúc trời tối, địa hình rộng, hiểm trở và trời đang có mưa to, gió lớn nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền các địa phương đã huy động các lực lượng cứu hộ đến từng khu dân cư, thôn bản giúp đỡ di chuyển người dân đến nơi an toàn./.