Bất cập trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ dân số

10:13, 19/08/2012

Đến đầu tháng 8 năm nay, kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia dành cho công tác dân số năm 2012 vẫn chưa được chuyển về các địa phương, nhưng tỉnh ta đã chủ động cấp trước để ngành chủ quản triển khai các hoạt động theo kế hoạch. Bên cạnh đó, để ổn định bộ máy tổ chức, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết cho phép tuyển dụng vào biên chế 181 cán bộ dân số cấp xã. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ này tại cơ sở đang gặp nhiều bất cập.

Chị Khổng Thị Sim sinh năm 1990, quê ở xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) mới được tuyển dụng vào làm việc tại Trạm y tế xã Văn Hán (Đồng Hỷ) từ tháng 3-2012. Chị Sim cho biết: Thời gian eo hẹp, nên việc đến tận nhà dân để tuyên truyền nhóm hay hộ gia đình cũng rất ít khi thực hiện, chủ yếu dựa vào 26 cộng tác viên lâu năm. Nhìn vào sổ sách thấy rất phức tạp nên chỗ nào không hiểu tôi phải hỏi các cô cộng tác viên ở cơ sở. Hơn nữa, chưa được tham gia lớp tập huấn nào về công tác dân số nên mọi việc tôi vẫn phải tranh thủ thời gian vừa làm, vừa tìm hiểu…

 

Không chỉ có chị Sim mà hầu hết những người mới được tuyển dụng được vào làm tại trạm y tế xã được phân công phụ trách công tác dân số đều thấy lúng túng và họ không muốn làm công việc này. Chị Triệu Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện giãi bày: Đến nay, Đồng Hỷ mới có 12/18 xã có cán bộ phụ trách công tác dân số, 6 xã còn lại công tác này bị bỏ ngỏ từ đầu năm 2012 đến nay, nhưng những cán bộ được phân công làm công tác dân số đều mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên cán bộ Trung tâm phải đến tận nơi hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”… Theo văn bản của Sở Y tế, công tác dân số giao cho Trạm Y tế lo về con người, Trung tâm Dân số phụ trách chuyên môn nhưng con người không nắm thì sao điều hành được chuyên môn? Nếu cán bộ làm công tác dân số cấp xã có điều gì hạn chế hoặc sai sót, chúng tôi rất khó “chấn chỉnh, bổ sung”, hoặc cử người đi tập huấn chuyên môn càng khó vì họ không phải là người của mình”. Trong khi chưa tuyển dụng được cán bộ dân số mới thì hàng loạt cán bộ dân số cũ, có nhiều năm cống hiến, giàu kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết đã bị cho nghỉ việc, nhận chế độ “một cục” hoặc “chờ tuyển dụng” để các trạm y tế phân công các cán bộ y tế “kiêm nhiệm”.

 

Trong khi cán bộ dân số mới được giao công tác này đang phải “chật vật” với số liệu, sổ sách, địa bàn chưa thông thạo, chưa hiểu phong tục tập quán thì 34 người “bản địa” có sự tận tâm, bề dày kinh nghiệm (đã có 5-10 năm gắn bó với công tác dân số), đủ bằng cấp, đang từng ngày chờ đợi được tuyển vào để làm công việc yêu thích lại đang “ngồi chơi xơi nước” từ đầu năm 2012 đến nay. Chị Trần Thị Thu Hiền, nguyên cán bộ chuyên trách dân số phường Lương Châu (T.X Sông Công) chia sẻ: Đến đầu tháng 8-2012, tôi được Trung tâm dân số - KHHGĐ Thị xã mời ra để ký hợp đồng nhưng tôi rất thắc mắc, không hiểu vì thời gian ký hợp đồng từ tháng 6-2012 đến thời điểm có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh như thế thì chúng tôi phải đợi đến bao giờ? Liệu có được tiếp tục làm việc nữa hay không?

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Ưng, Giám đốc Trung tâm Dân số -KHHGĐ T.X Sông Công cho biết: 4/10 cán bộ chuyên trách dân số cũ của thị xã đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng nhưng vẫn “treo” từ 31-11-2011, đến 1-6-2012 mới có ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế để tiếp tục ký hợp đồng nhưng thời gian lại không rõ ràng, khiến cho họ rất băn khoăn, không yên tâm làm việc. Còn đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở thì từ đầu năm đến nay vẫn chưa nhận được một đồng phụ cấp nào vì kinh phí chưa có…

 

Thực tế cho thấy, trong quá trình tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ dân số ở tỉnh ta có những điểm bất cập, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ Bộ Y tế. Cụ thể, Phụ lục 19 ban hành kèm theo Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 29/1/2011 của tỉnh nêu rõ: Số cán bộ được tuyển dụng sẽ về “làm công tác dân số tại trạm y tế xã”. Trong khi đó, hầu hết các viên chức này lại dành tối đa thời gian cho công tác y tế. Còn nữa, ngày 14/5/2008, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05 nêu rất cụ thể những tiêu chuẩn của một cán bộ chuyên trách, nhưng điều này lại không được tham khảo trong điều kiện xét tuyển cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ của tỉnh... Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Đến năm 2011, khi được giao 181 biên chế viên chức làm công tác dân số ở xã, ngành Y tế cũng triển khai xét tuyển áp dụng đúng theo Quyết định 14 của UBND tỉnh, còn việc thực hiện đúng tinh thần của Nghị định số 116 của Chính phủ thông qua việc tham khảo Thông tư 05 hình như đã bị “bỏ quên”.

 

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ cho biết: Với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo, ngay từ đầu tôi hoàn toàn ủng hộ và đề nghị giải quyết khẩn trương để ổn định công tác dân số. Đặc biệt, theo tôi cần quan tâm đến đội ngũ làm công tác dân số cơ sở. Bởi từ khi chưa có chế độ gì họ đã đi tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ. Sau nhiều năm gắn bó, quyền lợi của họ đang bị “bỏ quên”. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 29-5-2012 về việc Ban hành quy định chuyển đổi người làm công tác dân số - KHHGĐ cấp xã thành viên chức dân số - KHHGĐ cấp xã thuộc Trung tâm y tế cấp huyện, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.