Bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ: Nhiều doanh nghiệp làm chưa đúng quy định

09:32, 22/08/2012

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đã tổ chức khai thác khoáng sản nhất thiết phải có giám đốc điều hành mỏ và các tiêu chuẩn chuyên môn cần thiết của chức danh này được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các đơn vị khai khoáng trên địa bàn tỉnh cho thấy việc bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ ở một số doanh nghiệp còn rất hình thức, không đúng quy định.

Mỏ chì kẽm Cuội Nắc là mỏ khai thác hầm lò, nằm trên địa bàn xã Yên Đổ (Phú Lương) do Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc quản lý, khai thác. Mỏ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011 với diện tích trên 4ha, trữ lượng thăm dò khoảng gần 35 nghìn tấn. Doanh nghiệp này đã bổ nhiệm ông Lê Duy Hưởng, cử nhân cao đẳng chuyên ngành Khai thác mỏ (Trường Đại học Mỏ Địa chất), tốt nghiệp năm 2002 làm Giám đốc điều hành mỏ. Như vậy, việc bổ nhiệm này là chưa đúng theo quy định. Tại mục d, khoản 2, Điều 62, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17-11-2010 có quy định rõ: “Giám đốc điều hành khai thác hầm lò phải là kỹ sư khai thác mỏ hoặc kỹ sư xây dựng mỏ có thời gian trực tiếp khai thác tại mỏ hầm lò ít nhất là 5 năm”. Như vậy, ông Lê Duy Hưởng không phải là kỹ sư, lại chưa có đủ thời gian làm việc thực tế tại hầm lò theo quy định.

 

Trường hợp của ông Tạ Quang Sửa, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mỏ vàng Bồ Cu (HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công) cũng chưa đủ các tiêu chuẩn cần thiết. Ông Sửa mới tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội tháng 12 năm 2011 với tấm bằng kỹ sư khai thác mỏ. Như vậy, ra trường hơn 1 năm mà đã bổ nhiệm làm giám đốc điều hành mỏ khai thác hầm lò là không đúng quy định. Vì theo Thông tư hướng dẫn số 15/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 25-6-2009 thì “Giám đốc điều hành mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò phải là kỹ sư khai thác mỏ chuyên ngành khai thác hầm lò hoặc kỹ sư xây dựng công trình ngầm và mỏ đã có thời gian làm việc trực tiếp ở công đoạn khai thác tại mỏ hầm lò ít nhất là 5 năm”. Việc chưa đúng chuyên ngành và chưa đủ thời gian thực tế theo quy định mà đã phải đảm trách nhiệm vụ giám đốc điều hành thì vấn đề đảm bảo vận hành quá trình khai thác mỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 

Tương tự là trường hợp của ông Đoàn Khắc Hiếu, hiện đang là Giám đốc điều hành mỏ vàng sa khoáng Bản Ná (Võ Nhai). Ông Hiếu được Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long bổ nhiệm khi mới tốt nghiệp trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội tháng 7-2011. Xét về điều kiện chuyên môn, ông Hiếu đã đảm bảo theo quy định, nhưng về thời gian thực tế thì còn thiếu, bởi theo Luật Khoáng sản thì “Giám đốc điều hành khai thác lộ thiên phải là kỹ sư khai thác mỏ có thời gian trực tiếp khai thác tại mỏ lộ thiên ít nhất là 3 năm”. Trường hợp khác thuộc về ông Nguyễn Văn Dự. Ông này được Công ty CP Khai khoáng miền núi bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mỏ than Giếng 9 (Phấn Mễ - Phú Lương), khai thác theo phương pháp hầm lò. Khi chúng tôi đề nghị được xem hồ sơ cán bộ của giám đốc điều hành mỏ thì Công ty trên đã không xuất trình được Bằng tốt nghiệp chuyên ngành khai thác mỏ của ông Nguyễn Văn Dự.

 

Theo Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thì trong tổng số hơn 20 doanh nghiệp hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh được kiểm tra gần đây thì có tới 70% đến 80% số đơn vị đã bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ chưa đúng quy định hoặc thiếu một vài tiêu chuẩn cần thiết. Ông Bùi Văn Tuyên, cán bộ Phòng Kỹ thuật an toàn, môi trường (Sở Công Thương) cho biết, việc bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định sẽ khiến đơn vị chủ mỏ gặp khó khăn trong công tác quản lý. Vấn đề nắm vững pháp luật và phổ biến quy định của Luật Khoáng sản ở các đơn vị này cũng sẽ gặp nhiều hạn chế. Hơn nữa, công tác an toàn lao động, xử lý thiết bị, công nghệ khai thác sẽ không thể đảm bảo. Luật pháp đã quy định về các điều kiện cần có của chức danh giám đốc điều hành mỏ thì bắt buộc các đơn vị khai khoáng phải nghiêm túc thực hiện.

 

Được biết, từ trước đến này, vấn đề giám sát, quản lý việc bổ nhiệm cán bộ chuyên ngành trong lĩnh vực khai khoáng tại các doanh nghiệp gần như bị buông lỏng. Điều đáng nói là không chỉ có việc bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ mà ngay cả các chức danh khác như: Chỉ huy nổ mìn, phụ trách an toàn, khai thác, môi trường mỏ… cũng ít được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm theo dõi. Chính vì điều này mà việc bổ nhiệm các chức danh, trong đó có chức danh quan trọng là giám đốc điều hành mỏ thường mang tính hình thức, nhiều trường hợp bổ nhiệm với mục đích cho đủ bộ máy để có thể hoạt động. Thiết nghĩ, đã đến lúc vấn đề bổ nhiệm các chức danh chuyên trách trong doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn phải được coi trọng hơn, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc chỉ vì cán bộ thiếu năng lực chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế.