Chia sẻ nỗi đau da cam

08:32, 03/08/2012

Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Lê Minh Xuân, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) luôn nồng ấm tình đồng đội.

Đồng đội cũ đến đây gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Họ là những nạn nhân (NN) chất độc da cam đang sinh hoạt tại Chi hội 1, gồm 12 hội viên (HV) đang sinh sống ở các tổ dân phố 1A, 1B và tổ dân phố 2, tổ dân phố 3 của phường.

 

Là Chi hội trưởng, ông Xuân hiểu rất rõ tâm tư, nguyện vọng của từng HV. Ông bảo: Các thành viên trong Chi hội giống nhau ở chỗ đều chịu cảnh đau đớn về thể xác, tinh thần và khó khăn về đời sống kinh tế. Nhiều gia đình HV đang phải sinh sống trong ngôi nhà dột nát mà không có tiền sửa chữa. Nhiều HV sống trong tình trạng đau ốm triền miên và có con bị di chứng chất độc da cam.

 

Ông Dương Xuân Sông, Chủ tịch Hội NN của phường, đồng thời là HV tham gia sinh hoạt tại Chi hội cho biết: Khó khăn hoạn nạn, chúng tôi luôn ở bên nhau, động viên, an ủi nhau nguôi đi nỗi đau và mất mát để sống cho tốt.

 

Là cán bộ Hội, ông Sông tích cực đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn vận động họ đứng ra giúp đỡ các NN. Trong 3 năm gần đây, qua ông, NN Lăng Ngọc Kính, con của NN Lăng Văn Huấn được Báo Thái Nguyên tặng nhà tình nghĩa. Nhiều NN khác được nhà hảo tâm tặng sổ tiết kiệm, trong đó Chi hội 1 có 2 sổ tặng cho cháu Kính và cháu Đỗ Thị Thảo, mỗi sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng.

 

Xét về kinh tế, trong Chi hội ai cũng khó khăn, ai cũng cần nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong cộng đồng xã hội. Vậy nhưng khi có tấm lòng thơm thảo đến sẻ chia, các Hv lại nhường nhịn nhau.

 

HV Nguyễn Hữu Bền cho biết thêm: Các HV trong chi hội đau yếu luôn, nhưng khi được cán bộ, viên chức, người lao động Báo Thái Nguyên giúp cháu Kính làm nhà tình nghĩa (2009), các HV trong Chi hội tích cực tham gia góp được hàng chục ngày công lao động san đất, đào móng, vận chuyển nguyên vật liệu. Hôm vào nhà mới, Chi hội - mỗi người một chút, gom được 300.000 đồng tặng em Kính.

 

Một ngôi nhà mưa không lọt mái đang là mơ ước của không ít NN. Điển hình trong Chi hội có NN Nguyễn Hữu Bền và Bá Công Thục. Ông Bền có 3 người con, 1 cháu bị điếc, 2 cháu bị thiểu năng trí tuệ. Bản thân ông Bền đau ốm triền miên, trăm việc cần lo trong nhà đều do một tay vợ ông đảm nhiệm. Vì thế kinh tế của gia đình ông nghèo, vẫn đang phải ở nhà dột nát. Ông Thục cũng có 3 người con, cô con gái đầu người cứ khô quắt đi mà không khám được bệnh gì. Người con thứ 2 sống trong trạng thái ngơ ngẩn, người con út cũng không được nên người... Đã ngoài 70 tuổi, hằng ngày ông Thục phải lăn lưng đi làm thuê nuôi các con.

 

Hơn ông Bền, ông Thục, nhờ có tiền bán đất, ông Trần Văn Tỵ không có tên trong danh sách hộ nghèo, nhưng ông phải sống cảnh nhìn đời qua nước mắt. 3 người con của ông, 1 đứa chết ngay trong bụng mẹ, 2 đứa được sinh, dưỡng về sau lại trở thành người vô hồn. “Họa vô đơn chí”, bà Ninh Tiểu Hồng, vợ ông Tỵ do suy nghĩ nhiều vì chồng, con, lại tủi phận đàn bà nên đã mắc bệnh thần kinh. Vậy là trong ngôi nhà ấy, ông Tỵ phải tự mình xoay sở để duy trì một sự tồn tại. 

 

Đau đớn hơn cả bệnh tật là khi phải nhìn những đứa con do mình sinh ra không được bình thường. Ông Xuân thở dài: Con tôi sinh ra đứa chết ngay trên bàn đẻ, đứa sinh ra không được bình thường. Tôi không được làm một người chồng, người cha trọn vẹn.

 

Ngôi nhà ông Xuân không có nhiều tài sản. Người vợ đầu của ông sau 2 lần sinh chẳng được đứa nào nên người, bà đã mất vì bệnh tim. Người vợ thứ 2 ông Xuân đón về, không sinh nở được, hiện bà đang chạy thận 3 lần/tuần.

 

Chuyện trò toàn nỗi đau, đau đến mức không còn khóc được nữa. Vậy nhưng khi tôi gặp ở ngay trong ngôi nhà của ông Xuân, đều là cựu chiến binh đang ở tuổi hơn, kém bảy mươi, họ chấp nhận mọi đau đớn thể xác, tinh thần để vượt lên tất thảy. Đương nhiên bên họ còn có sự giúp đỡ, ủng hộ tích cực của mọi người trong cộng đồng xã hội. Vào ngày Tết, lễ, chính quyền, các đoàn thể nhân dân đến tặng quà; khi ốm đau, bà con chòm xóm đến thăm hỏi, động viên. Đồng quà, tấm bánh chẳng là bao, nhưng mỗi lời động viên của mọi người trong cộng đồng xã hội đã giúp các NN thêm tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 

Điều trân trọng là ở ngay Chi hội 1, tuy cuộc sống cực kỳ khó khăn, nhưng mỗi NN đã tự nguyện đóng góp 500 nghìn đồng để xây dựng quỹ. Hiện tổng quỹ của Chi hội được 6 triệu đồng, số tiền này được dành cho HV khó khăn nhất vay để phát triển kinh tế, hoặc chữa bệnh. Hiện HV Lê Minh Xuân đang vay 1,5 triệu đồng chữa bệnh cho vợ, HV Bá Công Thục vay 2,5 triệu đồng chăn nuôi gà, còn HV Ngô Văn Đối vay 1 triệu chữa bệnh cho bản thân. Đặc biệt, HV Trần Ngọc Độ, một trong những NN có điều kiện kinh tế ổn định hơn, khi thấy bà Vũ Thị Hạnh, vợ ông Xuân đi bệnh viện chạy thận nhân tạo, ông Độ đã mang 1 triệu đồng tới nhà cho đồng chí mình vay.

 

Tình đồng chí ấm áp, cuộc sống của mỗi người cũng vơi đi phần nào sự vất vả. Hằng ngày các HV cùng qua lại thăm nom nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, rồi hướng dẫn nhau tập luyện dưỡng sinh, cách sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh. Nỗi đau được san sẻ, vợi đi nhiều phần...