Nhiều bệnh nhân vào đến bệnh viện, dù mang bệnh trọng, chẳng biết còn sống được bao lâu mà cò cũng chẳng tha, vẫn "ăn" tiền đều đều.
Nói đến “cò” bệnh viện, những ai từng phải đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn, không còn lạ lẫm gì những người này. Vì “cò” thường săn đón, dụ dỗ người bệnh chi tiền để “cò” đưa đường dẫn lối cho họ được vào phòng khám, chữa bệnh nhanh chóng.
Hoạt động của “cò” đã trở thành một vấn nạn trong ngành y tế. Các cơ quan chức năng liên quan và trực tiếp là các bệnh viện đã bàn nhiều và cũng dùng không ít phương sách để dẹp vấn nạn này, nhưng xem ra vẫn chỉ như… đấm bị bông. Thành thử “cò” vẫn cứ lộng hành để thu cái lợi hẹp hòi cho thiểu số người nhưng lại đã và đang gieo tội ác đa chiều cho xã hội.
Từ lợi ích hẹp hòi…
Hiện các bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn luôn quá tải, người bệnh luôn phải xếp hàng chầu chực, thậm chí phải chen lấn, xô đẩy tranh giành để đến lượt được khám chữa bệnh. Trong bối cảnh này, nhân danh người nhà nhân viên y tế, “cò” ra tay “giúp đỡ” người bệnh “đi tắt” vào phòng khám chữa bệnh nhanh gọn, nên không ít người bệnh bám lấy “cò” để mong thỏa nguyện.
Thực tế, không ít bệnh nhân đã thỏa nguyện nhờ “cò”. Để có được sự “thỏa nguyện” này, cái giá mà bệnh nhân phải trả cho “cò” thường là tùy loại bệnh, tùy mức độ phức tạp của quá trình thăm khám, nhưng tất cả đều tính bằng tiền. Những đồng tiền này, bên cạnh sự được việc cho bệnh nhân đó và lợi ích kinh tế cho chính “cò”, thì khó có thể phủ nhận nó không mang lợi cho nhân viên y tế nào đó. Bởi, để trở thành “cò”, nhất là “cò” có uy tín và hoạt động đều đặn, chắc chắn phải có sự hợp tác của nhân viên y tế, nếu không sẽ không có “lối đi tắt” cho “cò” đưa người bệnh vào phòng khám mà không phải xếp hàng lấy số rồi lại xếp hàng chờ đến lượt.
Không thể có chuyện 100% nhân viên y tế móc nối làm ăn với “cò”, càng không bao giờ có 100% bệnh nhân đi theo “cò”. Cho nên sự tồn tại của “cò” chỉ mang cái lợi hẹp hòi cho thiểu số bệnh nhân, và nhân viên y tế. Có thể “cò” giàu lên, nhân viên y tế nào đó sẽ tăng thu nhập, nhưng chắc chắn trong số những người trả tiền cho “cò”, không phải ai cũng sẵn tiền. Nhiều người bệnh nghèo nhưng vì sự cả tin, sự nóng lòng muốn được thăm khám sớm và sợ quá nhiều phiền toái khác trong quá trình khám chữa bệnh mà chấp nhận nghe “cò”.
… đến gieo tội ác đa chiều
Nếu như “cò” mang lợi cho thiểu số người thì ngay lập tức nó đang gieo tội ác lên hàng trăm, hàng nghìn người hằng ngày phải chầu trực tại các bệnh viện để được khám chữa bệnh và cả nền y đức nước nhà.
Bởi lẽ, cứ một “cò” có đất sống thì chắc chắn phải có nhiều người khác hậu thuẫn cho “cò”, trong đó gồm một số cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ, an ninh liên quan đến bệnh viện và cả không ít bệnh nhân.
Nói “cò” gieo tội ác đa chiều là vì, bản thân sự lộng hành của “cò”, bên cạnh việc mang lợi ích hẹp hòi cho thiểu số người (như đã nêu), không ít “cò” còn lừa bịp người bệnh, tranh thủ hành vi trộm cắp trong bệnh viện. Và, “cò” sống được thì không ít nhân viên y tế, thầy thuốc sẽ bị cám dỗ mà đánh đổi lương tâm thầy thuốc để thu lợi bất chính.
Còn người bệnh nào sẵn sàng chi tiền cho “cò”, để được khám chữa bệnh trước, đã vô tình hay hữu ý bất chấp lẽ phải, phá bỏ sự công bằng, đặc biệt là tự giết chết niềm tin, sự kiên nhẫn của mình để giành lợi rất ích kỷ. Như thế, bản thân người bệnh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm gây thêm cái ác, vì bằng đồng tiền của mình, bệnh nhân đã cùng “cò” đẩy bệnh nhân khác phải “lùi hàng, tụt số” trong hàng dài chờ đợi khiến bệnh thêm trọng vì không được khám chữa kịp thời. Nghiên trọng hơn là ngày càng nhiều bệnh nhân cực chẳng đã đành tặc lưỡi tìm "cò" cho sớm được việc và coi sự tồn tại của "cò" như một lẽ đương nhiên thấy ở bệnh viện!
Cạnh đó, đội ngũ bảo vệ, an ninh liên quan đến bệnh viện chắc hẳn không phải không biết có “cò”, nhưng tại sao họ không vào cuộc làm đúng chức trách của mình? Phải chăng, họ sẽ đổ cho do cơ chế pháp lý chưa đủ để cho họ “tác nghiệp”, hay còn có “cơ chế” nào đó khiến họ làm ngơ hoặc cố tình làm ngơ?
Đặc biệt, có lẽ trách nhiệm quan trọng nhất phải là đội ngũ trực tiếp liên quan là đội ngũ cán bộ quản lý, các y bác sĩ, nhân viên y tế… tại bệnh viện nói chung, nơi có “cò” nói riêng.
Vì rằng, trí tuệ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đủ để có thể phát hiện, điều trị nhiều loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp, kể cả những ca cấp cứu hiểm nguy, những căn bệnh hiểm nghèo, quái ác… đã làm rạng danh nền y học nước nhà. Chẳng lẽ, với những tài năng như thế người ta lại không phát hiện ra “cò” và không có thuốc đặc trị “cò”?
Nếu đội ngũ quản lý, điều hành bệnh viện thực sự nghiêm minh với chính mình và với nhân viên của mình, công bằng với người bệnh chắc chắn hệ thống khám chữa bệnh sẽ tuyệt đối tuân thủ theo quy định khám chữa bệnh kiểu xếp hàng theo lượt (trừ trường cấp cứu). Khi đó, không thể có chuyện “cò” đưa bệnh nhân “phá hàng”, thậm chí đi “cửa sau”, và “cò” sẽ tự chết.
Nếu nhiều câu hỏi liên quan đến sự tồn tài và lộng hành của “cò” bệnh viện vẫn tiếp tục phải đặt ra, chắc chắn vẫn tồn tại sự thỏa hiệp với “cò”, tức là thỏa hiệp với cái ác trong nền y đức nước nhà./.