Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đại Từ vững mạnh toàn diện

08:32, 01/08/2012

Trong dòng chảy lịch sử, tên Đại Từ có từ lâu đời. Ngay từ thời Hùng Vương, Đại Từ thuộc bộ Vũ Định; thời Lý, Đại Từ thuộc phủ Phú Lương. Trải qua các triều đại, sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 1-8-1922, Đại Từ sáp nhập với châu Văn Lãng (phía Bắc của huyện hiện nay) và chính thức lấy tên là huyện Đại Từ.

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, khí phách Anh hùng cách mạng để bảo vệ, xây dựng và phát triển Đại Từ trở thành huyện có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng và truyền thống văn hoá. Năm 1936, tại xã La Bằng, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập. Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại Từ có một vị trí chiến lược quan trọng, vừa là An toàn khu, vừa là cửa ngõ của Thủ đô kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại Từ đã phát động chiến dịch “Rực lửa đêm đông, kiến thiết ruộng đồng, lập công dâng Đảng, đánh Mỹ cứu nước”, tập hợp sức mạnh của các tầng lớp nhân dân để vừa sản xuất ổn định đời sống vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

 

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt trong giai đoạn 2007-2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết phấn đấu đạt được nhiều thành tích. Kinh tế tiếp tục phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển rõ nét, từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 cụm công nghiệp đang được xây dựng với một số dự án lớn.

 

Đặc biệt, Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo hiện nay đang triển khai trên địa bàn là một dự án trọng điểm của Chính phủ và của tỉnh Thái Nguyên, có quy mô, tổng vốn đầu tư và tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Từ nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển theo chiều sâu, từ chỗ sản xuất mang tính độc canh, tự cung tự cấp, năng suất thấp, đến nay nông, lâm nghiệp đang tích cực chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, sản lượng lương thực giữ ổn định ở mức 70 nghìn tấn/năm, an ninh lương thực được đảm bảo. Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện với diện tích chiếm tổng 1/3 diện tích che của toàn tỉnh, sản lượng đạt trên 51 nghìn tấn, sản phẩm chè Đại Từ ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển quan trọng, đến nay 100% các xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, có đường ôtô đến trung tâm; các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, hệ thống trường học, công trình thuỷ lợi… được đầu tư xây dựng làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, tạo tiền đề cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong xây dựng cơ bản, nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn, Đại Từ là điểm sáng của tỉnh về thực hiện phong trào nhân dân hiến đất, hiến tài sản để tham gia xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2011.

 

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyến biến, chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 70 trường đạt chuẩn Quốc gia và có 23 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước căn bản. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ huyện được nâng lên. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Dân chủ và kỷ cương xã hội được tăng cường; tạo được sự thống nhất, tin tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân...

 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Từ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; ưu tiên phát triển công nghiệp - TTCN, nhất là lĩnh vực chế biến nông lâm sản, khoáng sản; tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, trong đó khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh cây chè, xác định là giải pháp chính trong phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư quy hoạch và thực hiện quy hoạch phục vụ xây dựng "nông thôn mới"; tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…