Thời gian gần đây, nhiều hội chợ tôn vinh hàng Việt được tổ chức tại không ít địa phương để thu hút người dân đến mua sắm. Cá biệt, tại huyện Đại Từ, chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi (tháng 7 và đầu tháng 8) đã có 4 hội chợ thương mại diễn ra tại các xã Hà Thượng, Ký Phú, Yên Lãng và thị trấn Đại Từ. Tuy nhiên, đã có không ít người tiêu dùng thất vọng bỏ về vì hội chợ được quảng bá là bán hàng Việt nhưng phần lớn lại bán toàn hàng ngoại mà chất lượng, xuất xứ không rõ ràng…
Hội chợ thương mại và hội nhập kinh tế huyện Đại Từ diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua tại Sân vận động Trung tâm huyện đúng những ngày hè khá nóng nực. Do vậy, ban ngày lượng khách đến tham quan mua sắm không nhiều. Phần vì do thời tiết oi bức, phần vì hội chợ có vẻ ngày càng thu hẹp hơn những năm trước. Các mặt hàng tại hội chợ cũng chưa được phong phú, vẫn chỉ là các gian hàng quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng, ô mai, bánh kẹo, các quầy bán thức ăn nhanh, giải khát...
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các gian hàng thời trang như: mắt kính, dây thắt lưng, ví da, quần áo… mang các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như: Gucci, Levi's, Boss… nhưng giá rẻ bèo chỉ 20.000 - 100.000đ/sản phẩm, quần Jean mang nhãn hiệu CK giá cũng chỉ hơn 90.000đ/chiếc, trong khi các sản phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng như trên thực tế có giá cao hơn rất nhiều. Còn việc trưng bày hàng hoá tại đây thì bát nháo, lộn xộn, chẳng khác hàng bán lề đường. Mặt hàng giày dép được rao là "cao cấp" nhưng lại đổ đống xuống sàn để thanh lý với giá còn rẻ hơn hàng chợ, chỉ 40.000-50.000 đồng/đôi…
Còn "Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng Hà Thượng” diễn ra tại xã Hà Thượng vào dịp cuối tháng 7 vừa qua cũng không như sự mong đợi của nhiều người tiêu dùng. Các gian hàng được trưng bày trên một mặt bằng rộng nhưng chẳng khác gì hàng đổ đống xuống nền cho khách tha hồ lựa chọn với nhiều biển hiệu rao khuyến mại, đại hạ giá. Các mặt hàng này chủ yếu là hàng may mặc, giày dép. Chị Võ Thu Hồng, xóm 4, xã Cù Vân bực tức: “Biết thế này tôi không đi Hội chợ cho tốn thời gian. Hội chợ gì mà bán toàn hàng hóa của Trung Quốc, trong đó hàng quần áo, giày dép thì giống như bày bán ở vỉa hè, chất liệu mỏng tanh, nhãn mác đã phai cả màu!? ”.
Khách đến tham quan, nhìn ngắm Hội chợ nhiều hơn là mua sắm. Nhưng có lẽ điều giúp Ban Tổ chức Hội chợ thu lại được phần lớn kinh phí là các chương trình ca nhạc buổi tối. Mỗi buổi tối tại Hội chợ là một ca sĩ chính hát trong liveshow mi-ni, còn lại là một vài giọng ca khác không mấy tên tuổi. Các ca sĩ hát trong đêm ở Hội chợ không mới, vẫn là Akira Phan, Khánh Phương, Khắc Việt, Lâm Chấn Huy, Quỳnh Nga... Cùng lắm là thêm được Châu Khải Phong, Lương Bích Hữu... Ca sĩ chính hát liên tục hơn chục bài, áo ướt đẫm mồ hôi, khản cả giọng, nhưng bù lại khán giả trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên cổ vũ nhiệt tình. Có đến 90% khán giả là lứa tuổi này. Một số cô bé trong độ tuổi teen cảm thấy vinh dự và tự hào khi được ca sĩ mời lên sân khấu đứng liên tục hàng giờ để đóng làm nhân vật trữ tình trong các bài hát mà nam ca sĩ thể hiện. Nhiều người nói vui: Đi hội chợ chủ yếu là đi xem ca nhạc. Bởi vậy, phần lớn lượng khách đến với hội chợ là vào buổi tối, mọi người chủ yếu đi tham quan, đi chơi, nghe tí ca nhạc cho đỡ buồn, đêm về ngủ cho ngon!
Có thể thấy, các hội chợ được tổ chức ngày một thiếu vắng cái gì đó mới mẻ, hấp dẫn người dân. Nếu chất lượng các dịch vụ và gian hàng ở hội chợ mà thiếu thu hút, hấp dẫn được nhiều khách đến tham quan, mua sắm thì Hội chợ tổ chức để làm gì? Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Đại Từ cho rằng mỗi năm huyện chỉ cần tổ chức một hội chợ theo kiểu Hội chợ miền quê Đại Từ. Trong đó, mỗi xã được giao vài gian hàng để bày bán các sản phẩm của địa phương từ quần áo, chè, nông sản, món ăn đặc sản… sẽ thu hút đông đảo người dân đến tham gia và hội chợ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.