Khu Nước Hai gồm địa phận của 3 xã: Cúc Đường, Thượng Thung và Thần Sa (Võ Nhai) hiện có 47 hộ dân đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống. Những hộ dân dân này một phần di cư từ huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) về năm 2003, phần khác hạ sơn từ bản Mỏ Chì của xã Cúc Đường xuống tạo dựng thành một cụm dân cư mới…
Mặc dù định cư bám với trục đường liên xã Cúc Đường - Thần Sa nhưng 100% số hộ đồng bào dân tộc Mông ở khu Nước Hai đều thuộc diện hộ nghèo. Nguyên nhân dẫn đến nghèo đói là do trình độ dân chí của bà con ở đây không cao, tập tục canh tác lạc hậu và thiếu các điều kiện phục vụ cho phát triển kinh tế như: Đất trồng trọt ít (bình quân ở mức 1,5 sào/khẩu); hệ thống thuỷ lợi không có; các hộ chưa được sử dụng điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Ông Hoàng Văn Tài ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường cho biết: Nếu Nhà nước đầu tư cho chúng tôi hệ thống kênh dẫn nước khoảng 700m, bà con ở đây sẽ cải tạo biến toàn bộ diện tích đất trồng màu sang cấy lúa nước thì không còn lo chuyện thiếu lương thực vào những ngày giáp hạt. Còn khi hỏi về điều kiện sinh hoạt, ông Lý Văn Ninh ở xóm Kim Sơn, xã Thần Sa cho biết thêm: Điện lưới chạy qua ngay phía trước nhà nhưng không có trạm hạ áp nên bàn con vẫn chưa mua được điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; nước ăn phải đi gánh tít trong khe núi. Tôi tin nếu có điện, nước sinh hoạt và các công trình khác, cộng với sự chăm chỉ lao động sẵn có, 12 hộ dân ở đây sẽ có cơ hội ổn định cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp của cấp uỷ, chính quyền đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc Mông ở khu Nước Hai, cả 3 đồng chí Ma Khánh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung; Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thần Sa và Lương Xuân Tiếp, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường đều có chung một quan điểm: Đầu tư xây dựng các công trình cho đồng bào Mông ở Nước Hai phải thực hiện theo tính chất cụm dân cư vì mỗi xã chỉ có vài hộ nên không thể thực hiện theo chương trình riêng. Cùng đó, để có nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển ở khu Nước Hai cần sự quan tâm đặc biệt của UBND huyện Võ Nhai và các ngành chức năng trong tỉnh vì điều kiện kinh tế khó khăn nên việc đối ứng để xây dựng các công trình của người dân nơi đây không thể bằng các vùng nông thôn khác trong tỉnh.
Đồng bào dân tộc Mông ở Nước Hai đã từ bỏ tập tục di canh, di cư, học cách gieo cấy lúa nước với mục đích ở lại lâu dài để sinh cơ, lập nghiệp tại đôi bờ dòng sông Thượng Nung thơ mộng nên ngoài sự nỗ lực vượt lên của từng người dân, các cấp, ngành trong tỉnh nên sớm có chính sách về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cho cộng đồng dân cư nơi đây.