Như tin chúng tôi đã đưa, ngày 12-8 vừa qua, tại Văn phòng tỉnh Luông Pha Băng đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng thực hiện Dự án tìm kiếm, thăm dò quặng thiếc, chì, kẽm tại 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn giữa Chính phủ nước CHDCND Lào với Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công (thuộc HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công). Đây là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực được tổ chức trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5/9/1962 - 5/9/2012), góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, gắn bó thủy chung, son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào anh em…
Đồng chí Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam: “Cùng với lĩnh vực kinh tế, thương mại, trong thời gian tới, mong rằng các ngành, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung hợp tác với đất nước chúng tôi trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng các trường học, cơ sở y tế hiện đại tại Lào. Những tỉnh còn nhiều khó khăn của chúng tôi (như Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Cham-pa-sắc…) đang rất mong chờ sự đầu tư, hợp tác, giúp đỡ từ phía các bạn...”. |
Hy vọng vào thành công của Dự án
Trước khi việc ký kết hợp đồng thực hiện Dự án được tiến hành vào buổi sáng ngày 12-8 theo lịch, anh Đinh Huy Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công hồi hộp suốt đêm. Mà sự hồi hộp ấy (xen lẫn cả đôi chút lo lắng) cũng là điều dễ hiểu, bởi Công ty mà anh “chèo lái” có dự án đầu tư lớn tại Lào trong thời điểm hiện nay.
Trò chuyện với các nhà báo, anh Chiến cho biết: Được sự giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng của hai nước, từ tháng 3-2012, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại nước bạn, thành lập Công ty cổ phần Công nghiệp Lào. Công ty này (với 100% vốn đầu tư của Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công) sẽ trực tiếp triển khai thực hiện Dự án tìm kiếm, thăm dò quặng tại huyện Noỏng-het, tỉnh Xiêng Khoảng (vùng đất giàu truyền thống cách mạng) và huyện Cuôn, tỉnh Hủa Phăn, trên tổng diện tích 300km2, với số vốn đầu tư 64 tỷ kíp Lào (tương đương khoảng 180 tỷ đồng Việt Nam). Giai đoạn I của Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 6 năm, chủ yếu là tìm kiếm, thăm dò nguồn quặng. Sau đó, Công ty sẽ triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thiếc, chì, kẽm tại 2 tỉnh nói trên (hoạt động trong vòng 50 năm) để có nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của nước bạn và xuất khẩu sang một số quốc gia khác. Chúng tôi rất vui mừng vì đây là Dự án đánh dấu một bước phát triển mới của Công ty trong việc mở rộng hợp tác đầu tư ra nước ngoài. Cùng với đó, tin rằng khi Dự án này được triển khai thực hiện thành công sẽ có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng đối với 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn nói riêng, nước bạn Lào nói chung…
Vâng, niềm hy vọng, sự tin tưởng đó cũng là của chung tất cả mọi người có mặt, chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng thực hiện Dự án diễn ra sáng 12-8. Đặc biệt, sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi được tiến hành sau phiên kết thúc cuộc họp giữa kỳ lần thứ 34 của Ủy ban liên Chính phủ giữa Chính phủ Việt Nam và Lào, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào; Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam. Được biết tại cuộc họp, hai bên đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời kỳ mới.
Cũng chính vì vậy, sau Lễ ký kết hợp đồng thực hiện Dự án, lãnh đạo Chính phủ hai nước đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan của hai bên, đặc biệt là Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công, cần lưu ý nhiều vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về mặt bằng; tập trung nguồn nhân lực, vật lực triển khai thực hiện Dự án; có cơ chế thu hút, tạo việc làm cho đông đảo người lao động ở 2 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng thông qua Dự án này…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào Bun-tha-vi Xi-xút-phăn-thoong và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công Đinh Huy Chiến ký kết hợp đồng thực hiện Dự án tìm kiếm, thăm dò quặng.
Chúng tôi hiểu rằng, điều đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng, tinh thần trách nhiệm cao cả hai bên dành cho nhau, như những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 50 năm (tháng 3-1963) đã khẳng định:
“…Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”
Và nhiều cơ hội mở ra phía trước
Với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào và khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước bạn của các doanh nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay, ngay sau Lễ ký kết, chúng tôi đã phỏng vấn nhanh một số đồng chí cán bộ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào, được biết: Quan hệ hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Lào đang phát triển rất mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng (như năng lượng, khai khoáng, trồng và chế biến cây công nghiệp, giao thông - vận tải, bưu chính viễn thông, thăm dò dầu khí, hàng không, du lịch…). Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam có vốn đầu tư lớn tại Lào như Công ty cổ phần Điện Việt - Lào, Star Telecom - Viettel, Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4, Công ty cổ phần TNHH An Phú - Lào, Công ty Vinacomin Lào… đều đánh giá cao hiệu quả của các dự án đối với cả hai phía.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam có 435 dự án với tổng số vốn đầu tư 5,2 tỷ USD, thuộc nhóm dẫn đầu trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Các dự án đầu tư đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Lào và góp phần thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa hai nước lên tầm cao mới.
Các cán bộ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào cũng nhận định: Được biết, tại Thái Nguyên có nhiều doanh nghiệp có thế mạnh về khai thác và chế biến khoáng sản, kinh doanh dịch vụ du lịch, như vậy cơ hội hợp tác đầu tư tại Lào của các doanh nghiệp này là rất lớn. Đất nước chúng tôi luôn mong muốn điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực…
Như vậy, phía bạn đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng mở cửa chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của chúng ta. Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp ở Thái Nguyên cũng đánh giá rất lạc quan về khả năng hợp tác đầu tư tại nước bạn. Anh Đinh Xuân Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phía Bắc và anh Nguyễn Minh Chúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Bắc Việt hồ hởi: Qua tìm hiểu tình hình thực tế tại Lào cho thấy chúng ta hoàn toàn có đủ tiềm lực, điều kiện kỹ thuật, công nghệ để thực hiện nhiều dự án đầu tư sang đây, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng. Bởi đất nước bạn giàu nguồn tài nguyên khoáng sản, trong khi nhiều doanh nghiệp ở Thái Nguyên lại có thế mạnh về năng lực khai thác, chế biến. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tích cực vận động, kêu gọi để có thêm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đầu tư sang Lào…
Tất nhiên, để đi đến thành công cần phải trải qua cả một chặng đường dài, nhưng rõ ràng nhiều cơ hội đang mở ra phía trước đối với các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, ở Thái Nguyên nói riêng trong việc tìm kiếm, triển khai dự án đầu tư tại nước bạn. Vấn đề đáng lưu tâm là chúng ta có thể nắm bắt và biến các cơ hội ấy thành hiện thực như thế nào?
***
Tạm biệt cố đô Luông Pha Băng, chúng tôi tới sân bay quốc tế ở đây làm thủ tục bay về Hà Nội. Nhìn những chiếc máy bay cất cánh, bay đi muôn phương, tôi thầm nghĩ: Với sự hợp tác đầu tư có hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua những dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước Triệu Voi “cất cánh”. Và, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, thủy chung son sắt giữa hai nước Việt - Lào anh em sẽ mãi vững bền như dãy Trường Sơn điệp trùng, hùng vĩ, đã từng chứng kiến biết bao chiến công hiển hách của bộ đội bạn và ta trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ…
Chiếc ATR 72 của Hãng hàng không quốc gia Lào vút lên không trung. Dưới cánh máy bay, nắng chợt bừng lên, trải sắc vàng tươi thắm.
Trong những năm qua, đã có 20 doanh nghiệp ở Thái Nguyên sang đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế tại Lào với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, giàu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh đến với nước bạn Lào để tìm hiểu và đầu tư vào một số lĩnh vực như khai khoáng, trồng rừng... |