Gom “giọt nước” để làm vơi cơn khát

08:37, 02/08/2012

Nói chuyện làm ăn, ông Phạm Văn Quyền, hội viên (HV) nông dân Chi hội Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) mộc mạc: Tôi đang vay 100 triệu đồng tiền vốn để đầu tư cho chăn nuôi bò, trong đó có 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, còn lại vay của bạn bè, trong đó có 1 triệu đồng vay từ quỹ Chi hội.

Một triệu trong 100 trăm triệu đồng, ví như giọt nước gom lại, giúp vơi cơn khát cho HV nông dân. Ông Quyền vay 1 triệu của Chi hội để trồng cỏ chăn bò. Từ 3 năm nay, ông và một số HV nghèo trong Chi hội được các HV khác bình xét cho vay. Ông Quyền bảo: Thủ tục nhanh, gọn, mình cần là có.

 

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chi Hội Phó cho biết thêm: 68 HV của Chi hội đều tích cực đóng góp xây dựng chân quỹ. Quỹ dành vào các việc như hỗ trợ HV vay phát triển sản xuất, thăm hỏi khi ốm đau ma chay và khen thưởng… Do vốn quỹ mang lại lợi ích thiết thực, nên hằng năm, các HV lại biểu quyết đóng tăng để thành tấm món. Cụ thể năm 2011, Chi hội biểu quyết đóng tăng thêm 30.000 đồng, năm 2012, tăng hơn 60.000 đồng/HV/năm. Hiện quỹ Chi hội có 11 triệu đồng, đạt hơn 160.000 đồng/HV. Gia đình HV Nguyễn Quang Hiếu đang vay 1,5 triệu đồng để vỗ béo bò; gia đình HV Nguyễn Thị Oanh vay 3 triệu đồng từ tháng 2 năm nay để mua đàn gà giống.

 

Bà Ngô Thị Vân Anh, Thường vụ Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Mỗi chi hội một cách làm, hiện HV tại 315 chi hội trực thuộc 21 Hội cơ sở đã đóng góp quỹ được hơn 1,5 tỉ đồng. Mỗi người một chút, tuy không nhiều, nhưng ngay từ cấp chi hội cơ sở đã có vốn, kịp thời, tiếp sức thêm cho HV vượt qua “cơn khát” về tài chính.

 

Cũng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế ở từng vùng, Chi hội Thơm, các HV đóng góp xây dựng Quỹ bằng thóc. Ông Dương Văn Nhiên, Chi Hội trưởng cho biết: Mỗi HV đóng góp 20 cân thóc làm vốn. Các HV khó khăn được vay. Nhờ quỹ thóc này, nhiều gia đình HV không bị thiếu bữa trong những ngày giáp hạt. Cũng nhờ có quỹ, Chi hội có điều kiện thăm nom HV khi ốm đau, hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm vì thế thêm gắn bó.

 

Ông Nhiên cho biết thêm: Hiện tổng số HV trong Chi hội 73 người, số thóc đóng góp được đạt 1.460kg. Với mức lãi suất 2%/tháng, 1 năm, Chi hội có lãi hơn 300kg thóc. Số thóc lãi được mang bán, lấy tiền dùng vào các việc thăm nom HV ốm đau, hoặc trích thưởng cho con em HV thi đỗ đại học.

 

Ở Úc Sơn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Chi hội trưởng còn năng động nhận khoán gần 1 mẫu đất công để cùng các HV trồng vừng gây quỹ. Ngay vụ thu hoạch vừng đầu tiên của năm 2012, Chi hội bán được 10 triệu đồng, chưa kể số quỹ hơn 10,4 triệu đồng do HV đóng góp trước đây. Ông Thịnh cho biết: Các HV khi “bí tiền” đều có thể vay. Hỏi chuyện vay vốn từ nguồn quỹ này, HV Dương Đình Quyết cho biết: Tôi được Chi hội cho vay 5 triệu đồng, tuy số tiền không lớn, nhưng cũng thêm thắt đôi chút để công việc kinh doanh của gia đình tôi đạt hiệu quả hơn.

 

Đến Chi hội Quyết Tiến 2, chúng tôi cũng được nghe các HV bàn chuyện về hiệu quả của việc xây dựng chân quỹ. Ông Trần Văn Phái bảo: Tôi được vay 3 triệu đồng để nuôi lợn, gà. Cùng ở Chi hội, ông Nguyễn Văn Phương vay 2 triệu, ông Dương Văn Dương vay 2,5 triệu cũng dành để mua thức ăn chăn nuôi.

 

Ông Dương Đình Bình, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hương Sơn cho biết: Đồng vốn vay từ quỹ chi hội không nhiều, nhưng đúng lúc cần kíp nhất, nhiều HV đã không phải bán lúa non để đong gạo, hoặc bán đàn lợn, đàn gà non tháng vì thiếu tiền mua cám. Các hộ ông Phương, ông Dương, ông Phái là 3 trong số 18 gia đình HV của thị trấn thoát nghèo trong năm 2011 cùng nhờ một phần được vay vốn quỹ chi hội. Chân quỹ do chính HV cơ sở gây dựng và sử dụng có hiệu quả đã tạo được niềm tin vững chắc hơn của HV với tổ chức Hội; đồng thời tạo cho mỗi HV thêm gắn bó, đoàn kết, có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống. Tổ chức Hội vì thế ngày càng thu hút được nhiều nông dân tham gia, riêng 7 tháng đầu năm 2012, Hội kết nạp mới 30 HV, nâng tổng số HV toàn thị trấn lên 1.051 người, đạt 88% so với số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Một số người ở Chi hội 4 gia đình không sản xuất nông nghiệp, như ông Bùi Đức Dục làm nghề chụp ảnh, ông Nguyễn Văn Phương làm nghề sửa chữa xe máy và ông Trần Cường chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng cũng xin vào Hội Nông dân.

 

Các HV này vào Hội không phải vì mục đích được vay tiền, mà ngược lại, họ còn tích cực tham gia đóng góp với phong trào của Hội, trong đó có việc đóng góp xây dựng chân quỹ. Ông Bình còn cho biết thêm: Cuối năm 2011, chân quỹ tại các chi hội đạt 99 triệu đồng, nhưng đến nay (7-2012), chân quỹ đã tăng lên 125 triệu đồng. Số tiền này thật sự có ý nghĩa khi Hội Nông dân thị trấn còn tới hơn 200 HV nghèo đang cần được giúp đỡ, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.