Góp phần nâng cao chất lượng công tác quốc phòng - quân sự địa phương

16:54, 30/08/2012

Luật Dân quân tự vệ (DQTV) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 23-11-2009. Chính phủ cũng đã có Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DQTV; Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính có Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với DQTV và quy định về việc lập dự toán và quyết toán ngân sách cho DQTV. Đặc biệt, ngày 10-12-2010, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2011-2015. Sau hơn 2 năm thực hiện Luật và hơn 1 năm thực hiện Đề án xây dựng lực lượng DQTV của tỉnh đã góp phần làm chuyển biến đáng kể về chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng - quân sự (QP-QS) của tỉnh.

Trong hơn một năm rưỡi qua (từ tháng 1-2011 đến nay), Đề án xây dựng lực lượng DQTV của tỉnh được đưa vào thực hiện đã đem lại hiệu quả bước đầu khả quan. Để có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tham mưu tích cực, chủ động của Bộ CHQS tỉnh thì cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan quân sự các cấp, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt và tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Đề án để mọi cán bộ, chiến sĩ DQTV và quần chúng nhân dân thấy được vị trí, tầm quan trọng của Đề án đối với công tác QP-QS địa phương. Qua đó việc triển khai thực hiện Đề án đã được tiến hành một cách đồng bộ, chặt chẽ ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Công tác xây dựng lực lượng DQTV đã được kiện toàn, bổ sung đúng, đủ thành phần biên chế cơ bản theo tinh thần của Đề án (cấp tỉnh đạt 1,74%, cấp huyện là 1,77%, cấp xã bình quân là 1,4% tổng số dân hiện có). Chất lượng đội ngũ DQTV ngày càng được khẳng định, nhất là chất lượng chính trị và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV trên toàn tỉnh hiện nay đạt 19,7% (trong đó dân quân là 15,4%, tự vệ là 34,33%). Chỉ tính riêng trong năm 2011, toàn tỉnh đã kết nạp mới được 136 đảng viên trong lực lượng DQTV, trong đó huyện Phú Bình có số đảng viên được kết nạp cao nhất (57 đồng chí). Đội ngũ cán bộ DQTV (như  tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, thôn đội trưởng…) được biên chế đúng theo Đề án và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm…

 

Thực hiện lộ trình đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, tỉnh đã và đang đào tạo được 250/326 đồng chí (đạt 69%), trong đó cao đẳng, đại học là 38 đồng chí (đạt 10,5%). Từ nay đến năm 2015, tỉnh tiếp tục đào tạo từ 122 đến 150 cán bộ ngành quân sự cơ sở để đáp ứng nhu cầu sử dụng cán bộ theo đúng tinh thần của Đề án, trong đó tỷ lệ cao đẳng, đại học sẽ đạt 35%. Về công tác huấn luyện lực lượng DQTV trong năm 2011: Có 426/426 cơ sở DQTV tổ chức huấn luyện, quân số đạt 99,80%, bảo đảm huấn luyện đúng, đủ thời gian, chất lượng cao hơn năm trước. Qua kiểm tra, 100% các đơn vị huấn luyện đạt từ loại khá trở lên. Nhiều đơn vị quân số tham gia huấn luyện đạt 100% (như thị xã Sông Công, huyện Võ Nhai, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên)…

 

Bước sang năm 2012, UBND tỉnh đã bố trí cơ bản bảo đảm nguồn ngân sách cho công tác QP-QS địa phương, trong đó có việc thực hiện nội dung của Đề án xây dựng lực lượng DQTV. Việc thực hiện nội dung Đề án của các đơn vị được tỉnh tiến hành kiểm tra, theo dõi thường xuyên. Đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có chương trình giám sát trực tiếp tại Bộ CHQS tỉnh (đơn vị trực tiếp tham mưu và thực hiện nội dung của Đề án) và giám sát gián tiếp tại UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh. Qua kiểm tra và giám sát cho thấy: Hầu hết các đơn vị đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung của Đề án; bảo đảm đầy đủ chế độ phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ từ tiểu đội, khẩu đội đến Ban CHQS cấp xã, chế độ trợ cấp ngày công lao động cho lực lượng DQTV khi tham gia làm nhiệm vụ cũng như huấn luyện cơ bản bảo đảm bằng 0,08 mức lương tối thiểu. Chất lượng công tác huấn luyện DQTV trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được nâng lên rõ rệt, nhất là về chất lượng chính trị… Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung đã thực hiện khá tốt thì vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, đang  từng bước được tháo gỡ, như: Việc chi trả chế độ trợ cấp ngày công huấn luyện ở một số địa phương còn chưa bảo đảm (trong đó huyện Định Hóa có 22/24 xã, thị trấn; Võ Nhai 2/15 xã, thị trấn; Phú Lương 2/16 xã, thị trấn). Việc hỗ trợ đóng bảo hiểm tự nguyện cho đối tượng là phó chỉ huy trưởng quân sự cấp xã và chi trả phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù cho các đối tượng liên quan theo quy định ở hầu hết các xã trong tỉnh còn chưa thực hiện được…

 

Từ thực tế thời gian qua cho thấy: Việc triển khai Luật DQTV và Đề án xây dựng lực lượng DQTV của tỉnh giai đoạn 2011-2015 là động lực quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới. Để tiếp tục triển khai thực tốt vấn đề này trong thời gian tới đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải thực sự vào cuộc, quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện những nội dung của Đề án nói trên. Bên cạnh đó, lực lượng DQTV phải được giáo dục thường xuyên để không ngừng nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia xây dựng và củng cố lực lượng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới…

 

                        Đại tá Cù Xuân Huấn

                    Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh