Hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới

08:27, 01/08/2012

Những năm gần đây, chuyện người dân hiến đất để mở đường đã trở thành phong trào phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện Đại Từ.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm được khởi công xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo sự thay đổi diện mạo nông thôn. Trong vòng 10 năm (2001-2011), toàn huyện đã có 5.354 hộ dân hiến trên 684 nghìn m2 đất các loại, trị giá gần 90 tỷ đồng, làm mới được 233,4 km đường giao thông…

 

Tuyến đường giao thông nông thôn đầu tiên trên địa bàn huyện thực hiện chủ trương người dân hiến đất, hiến tài sản là ĐT263 có chiều dài 13km, đi qua các xã: Phú Thịnh, Phú Lạc, Đức Lương, Phúc Lương nối sang huyện Phú Lương. Số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án là 384 với kinh phí hiến đất và tài sản để giải phóng mặt bằng tại thời điểm năm 2001 là trên 280 triệu đồng. Tuy nhiên trong việc thực hiện chủ trương mới, việc hiến đất và tài sản làm đường giai đoạn đó, khi mà cả tỉnh Thái Nguyên chưa có địa phương nào thực hiện thì quả là muôn vàn khó khăn đối với huyện Đại Từ và đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Mặc dù vậy, với mục tiêu Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp và lấy sức dân để đầu tư cho dân cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây, tuyến đường đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Cũng từ phong trào hiến đất để xây dựng tuyến đường này đã được dấy lên trong toàn huyện, tạo thành một phong trào sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia và có hiệu quả to lớn về kinh tế, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng qua đó cải thiện đáng kể hệ thống giao thông trên địa bàn huyện.

 

Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khi nhận được chủ trương của cấp trên, chúng tôi thấy đây thực sự là vấn đề khó khăn vì liên quan đến tài sản của dân. Để dân biết, dân hiểu và ủng hộ, chúng tôi phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, đồng thời lấy công tác kiên trì vận động thuyết phục nhân dân là chính. Còn đối với những trường hợp khó khăn thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trực tiếp bám sát cơ sở, gần dân, vận động các hộ dân vì lợi ích chung của cộng đồng. Chính nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân nên nhiều tuyến đường đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

 

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia đóng góp của nhân dân, huyện Đại Từ đã thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo 233,4 km đường giao thông với tổng số kinh phí trên 295 tỷ đồng. Những tuyến đường mở từ lòng dân đã tạo dư luận tốt trong xã hội và góp phần tích cực cho việc giảm nghèo bền vững nơi đây.