Không chủ quan với dịch bệnh

07:22, 06/08/2012

Mặc dù ở huyện Phú Lương chưa có dịch tả ở lợn và cúm ở gia cầm , song để đề phòng dịch bệnh xâm nhập vào địa phương, huyện đang rất tích cực trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Huyện Phú Lương là một trong những địa phương có số lượng trang trại nhiều nhất tỉnh. Hiện toàn huyện có trên 200 trang trại, trong đó phần lớn là trang trại gà với số lượng trên 600 nghìn con, còn lại là lợn có khoảng 8 nghìn con, trâu trên 6.400 con, bò khoảng 300 con. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng dịch trong phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác này, từ việc tuyên truyền, ra các văn bản chỉ đạo, thực hiện Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đến việc kiểm soát lượng gia súc, gia cầm ra vào địa phương và các nơi giết mổ... đều được thực hiện rất bài bản.

 

Riêng năm nay, ngay từ đầu năm, Trạm Thú y đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, lên phương án phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thực hiện phương án này, các xã, thị trấn đã triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã tiêm vắc xin phòng dại chó được 18 nghìn liều, lở mồm long móng (LMLM) được trên 11 nghìn liều, tụ huyết trùng trâu bò là 5.500 liều, dịch tả lợn 15.500 liều và tụ dấu lợn là gần 11 nghìn liều. Cùng với đó, thực hiện Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc, Trạm Thú y huyện đã cấp trên 1 nghìn lít thuốc Benkocid và Navet-Iodin cho 16 xã, thị trấn phun tại các vùng có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cũng được thực hiện chặt chẽ, số gia súc, gia cầm vận chuyển qua địa bàn đều được kiểm tra.

 

Bên cạnh công tác khử trùng tiêu độc và tiêm phòng cho vật nuôi, huyện còn làm tốt khâu tuyên truyền cho nhân dân về vấn đề này. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 16 lớp tập huấn về biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở 16 xã, thị trấn với hàng nghìn lượt người tham gia. Qua đó, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch, từ đó thực hiện nghiêm ngặt các bước phòng ngừa dịch bệnh. Anh Quách Tiến Thịnh, xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ cho biết: Đã nhiều năm trong nghề chăn nuôi gà, điều làm tôi sợ nhất là dịch bệnh. Năm 2010, gia đình tôi cũng từng bị dịch chết cả đàn 3.000 con gà và phải tiêu hủy hết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, làm cho kinh tế gia đình lao đao. Sau đận ấy, tôi không dám chủ quan, cứ phải tiêm phòng đầy đủ, khâu vệ sinh chuồng trại và cả khu vực xung quanh cũng được tôi làm thường xuyên. Không cần chờ huyện cấp thuốc, tôi tự mình mua thuốc về phun, ngay cổng ra vào tôi đã tạo một đoạn trũng và đổ thuốc sát trùng xuống đó để cả người và xe qua lại đều phải lội qua, góp phần loại trừ các mầm bệnh. Thế nên, từ đó đến nay, gia đình tôi không còn bị dịch...

 

Từ cuối tháng 7-2012, đến nay, khi dịch tả lợn và cúm gia cầm xảy ra tại tỉnh ta, huyện Phú Lương đã thành lập đội kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm để đề phòng dịch bệnh. Đồng chí Nịnh Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện, Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành cho biết: Trong tháng 7, chúng tôi đã thực hiện 3 cuộc kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là đối với lợn và các sản phẩm từ lợn, nhưng không phát hiện trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số nơi thì không thể chủ quan, các biện pháp phòng dịch vẫn tiếp tục được tăng cường ở huyện.

 

Theo kế hoạch thì lịch tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi đợt 2 năm 2012 sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới, nhưng trước tình hình này, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã triển khai sớm hơn 1 tháng để tạo miễn dịch sớm cho đàn gia súc, gia cầm. Vào đầu tháng 8 này huyện bắt đầu thực hiện tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu, thống kê đến đâu, đăng ký vắc xin và thực hiện tiêm phòng đến đó. Ngoài ra, chúng tôi đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm nhằm phát hiện kịp thời các ổ dịch, từ đó thực hiện các biện pháp bao vây khống chế quyết tâm không để bệnh phát triển thành dịch...