Không có chuyện Kiểm lâm vừa hưởng lương Nhà nước lại vừa "ăn lương lâm tặc”

09:18, 08/08/2012

Khi rừng bị “chảy máu”, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền địa phương nơi có rừng và lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn đó. Thời gian gần đây, thông tin về tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra tại 6 xã thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai) đang làm dư luận nóng lên với nhiều câu hỏi được đặt ra. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn và cởi mở khi nói về vấn đề này.

Phóng viên: Được biết, tỉnh sẽ chỉ đạo điều chuyển và bổ sung thêm lực lượng Kiểm lâm cho Khu bảo tồn để quản lý rừng chặt chẽ hơn. Điều đó có đúng không thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Việc điều chuyển lực lượng kiểm lâm là hoạt động thường xuyên theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, những trường hợp nào có biểu hiện vi phạm thì hoặc là điều chuyển công tác, hoặc sẽ ngăn chặn, giáo dục, giúp đỡ để họ không vi phạm. Cần nhất là tạo môi trường để họ không có điều kiện vi phạm. Đó mới chính là giải pháp lâu dài. Bởi vì thông qua môi trường khắc nghiệt (về ăn, ở, làm việc, đi lại), nhiều cám dỗ sẽ giúp chúng ta đào tạo, rèn luyện cán bộ kiểm lâm tốt hơn. Với diện tích rừng trong Khu bảo tồn lên đến 17.000ha, nếu cần sẽ tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm từ một số địa phương khác để đảm bảo mục tiêu không bị mất rừng.

 

Phóng viên: Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng rừng vẫn bị “chảy máu”. Điều đó có đúng không thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Năm 2011, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã xử lý 241 vụ vi phạm Lâm luật, thu 490m3 gỗ quy tròn các loại (trong đó có 136m3 gỗ quý hiếm); 7 tháng đầu năm 2012 đã xử lý 161 vụ, thu 418m3 gỗ (trong đó có 110m3 gỗ quý hiếm). Điều đó phần nào cho thấy, nếu có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm thì không có chuyện gỗ rừng vẫn bị đốn hạ và vận chuyển trái phép như vậy. Đã có quy định về việc cán bộ kiểm lâm địa bàn phải tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, nhưng thời gian qua, lực lượng này đã chưa làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, chính quyền cấp xã cũng chưa thực sự vào cuộc phối hợp với các lực lượng chuyên môn để thực hiện tốt vai trò là chủ rừng của mình. Cũng không loại trừ trường hợp đây đó còn có cán bộ xã hay kiểm lâm địa bàn có biểu hiện sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Phóng viên: Vậy, đã có trường hợp sai phạm nào diễn ra tại Khu bảo tồn bị đưa ra kiểm điểm và báo cáo với tỉnh chưa, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Theo tôi biết, đối với chính quyền cấp xã thì chưa thấy có trường hợp kiểm điểm cụ thể nào. Còn với lực lượng kiểm lâm địa bàn thì có một vài trường hợp bị khiển trách, điều chuyển công tác. Trách nhiệm của cấp huyện là phải làm rõ cái chưa làm được hoặc sai phạm của lãnh đạo xã, bởi vì các xã đều đã ký cam kết bảo vệ rừng với huyện. Tôi nghĩ, cần thiết phải áp dụng các hình thức xử lý dù là phê bình, khiển trách hay nhắc nhở, cảnh cáo đối với cán bộ cấp xã khi xã đó để mất rừng.

 

Phóng viên: Được biết trong một cuộc họp về công tác quản lý, bảo vệ rừng gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã thẳng thắn: “Không thể có chuyện Kiểm lâm vừa hưởng lương Nhà nước lại vừa ăn lương lâm tặc”. Đồng chí có suy nghĩ gì về ý kiến đó?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Tôi rất tâm đắc với câu nói đó của Bộ trưởng. Ý Bộ trưởng là cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như phẩm chất đạo đức người cán bộ kiểm lâm, loại bỏ hoàn toàn tiêu cực trong ngành, tránh để tình trạng cán bộ kiểm lâm tiếp tay, bao che cho “lâm tặc” tàn phá rừng. Điều đó thể hiện sự quyết tâm không chỉ của người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và PTNT mà còn của toàn ngành đối với công tác bảo vệ rừng hiện nay. Với Thái Nguyên, tinh thần đó đã được thể hiện rất rõ trong một vài năm gần đây. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt ngành Nông nghiệp và PTNT, tăng cường chấn chỉnh cán bộ kiểm lâm, tích cực sàng lọc và kiên quyết loại bỏ những “con sâu” đang làm mất đi hình ảnh của lực lượng Kiểm lâm nhân dân.

 

Phóng viên: Hiện nay, chúng ta đang tập trung xử lý các xưởng xẻ gỗ trái phép, các đầu nậu thu gom lâm sản và số lượng gỗ tập kết trái quy định trong Khu bảo tồn. Vậy, làm thế nào để giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả nhất thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Tỉnh đã giao cho huyện Võ Nhai chỉ đạo các xã, các lực lượng chức năng tiến hành thống kê, di dời toàn bộ các xưởng xẻ gỗ ra khỏi khu vực có rừng ít nhất là 3km; dừng cấp Giấy đăng ký kinh doanh đối với tất cả các xưởng xẻ gỗ trên địa bàn; lên danh sách và kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu gom gỗ trái phép của các đầu nậu. Đối với gỗ vườn rừng, sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ thủ tục khai thác; với gỗ vô chủ được tập kết trong rừng sẽ tiến hành thu hồi, nếu không thể thu hồi sẽ tiêu hủy. Vừa qua, tỉnh đã giao chính quyền huyện Võ Nhai, lực lượng Kiểm lâm giám sát chặt chẽ việc tổ chức thu hồi gỗ xẻ còn tồn tại trong rừng của một doanh nghiệp được cấp phép. Để tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng chủ trương thu hồi để vận chuyển gỗ lậu, trực tiếp lực lượng kiểm lâm sẽ giám sát đến từng cây gỗ từ lúc vận chuyển ở bãi tập kết cho đến khi gỗ ra khỏi cửa rừng… Tất cả những việc làm kiên quyết đó đều nhằm một mục tiêu quan trọng là không để mất rừng.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!