Nhận tiền đền bù bỗng dưng …mang nợ

14:55, 31/08/2012

Là những hộ dân có công trông coi, bảo vệ, gìn giữ đất, rừng và được nhận tiền đền bù của dự án, nhưng sau đó, 10 hộ dân ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) lại nhận được phán quyết: phải nộp lại gần 500 triệu đồng để sung vào “ngân sách Nhà nước”. Điều này khiến các hộ dân không khỏi bức xúc, khó hiểu.

Năm 1995, UBND xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ được đơn vị K21 – Cục Kỹ thuật Quân khu I bàn giao một số diện tích đất đồi đã trồng cây theo dự án PAM. Trong đó có 2 thửa đất số 39 và 40 thuộc tờ bản đồ địa chính số 3 với diện tích trên 12,7ha. Sau khi nhận bàn giao xong, xã đã giao cho 10 hộ dân xóm làng Phan (gồm: Nguyễn Văn Hiến; Lý Văn Năng; Tô Văn Việt; Long Trọng Đức; Lý Thị Thái; Nguyễn Thị Sợi; Nguyễn Tiến Dũng; Lã Văn Uyên; Nông Văn Đài và Lý Thị Bình) bảo vệ, quản lý, sử dụng. Đến năm 1999, UBND huyện Đồng Hỷ ra Quyết định số 8150/QĐ-UB giao (cấp sổ “bìa xanh”) diện tích đất lâm nghiệp nêu trên cho tập thể xóm làng Phan để quản lý, sử dụng.

 

Trong suốt quá trình quản lý, bảo vệ và khai thác, không hề có tranh chấp với tập thể hay cá nhân nào. Đến năm 2006, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên thực hiện đền bù cho dân để lấy đất triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Với diện tích đất lâm nghiệp mà 10 hộ được giao, Công ty đã đền bù trên 985 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đã bị một số cán bộ xã, xóm lập kế hoạch chiếm đoạt hơn 475 triệu đồng để chia nhau. Sự việc bị phanh phui, khởi tố và xét xử công khai tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh. Các bị cáo đã trả lại số tiền phi pháp đã chiếm đoạt. Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 28-5-2010, Tòa công nhận 10 hộ dân là những người bị hại. Cơ quan điều tra cũng xác định rõ người bị hại là 10 hộ dân nói trên và gọi họ đến nhận lại số tiền này.

 

Tuy nhiên, trong phiên sơ thẩm ngày 29-12-2011, TAND tỉnh lại xác định 10 hộ dân là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn người bị hại là “nhà nước” và yêu cầu 10 hộ dân phải trả lại số tiền hơn 475 triệu đồng đã nhận từ cơ quan điều tra để “sung vào ngân sách Nhà nước”. Không đồng ý với bản án trên, 10 hộ dân  và các bị cáo bị xử phạt đã làm đơn kháng cáo lên TAND tối cao. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21-6-2012, TAND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm trên.

 

Trong bản án Sơ thẩm ngày 29-12-2011, Tòa nhận định: Năm 1999, ông Nguyễn Văn Hiến, khi đó là trưởng xóm, với tư cách là tập thể xóm Làng Phan viết Đơn xin nhận rừng và quản lý, sử dụng”. Căn cứ vào đơn nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ đã lập biên bản bàn giao rừng và đất lâm nghiệp giao cho “tập thể xóm Làng Phan” do ông Hiến nhận. Sau đó, Hạt kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định giao đất cho “tập thể xóm Làng Phan” (sổ bìa xanh). Sau khi có dự án đền bù, tập hồ sơ giao đất, giao rừng đã bị sửa chữa để chứng minh UBND huyện giao đất cho các hộ dân, hợp thức việc nhận tiền đền bù. Tòa cũng khẳng định, Quyết định cấp sổ “bìa xanh” của UBND huyện cho một tập thể là sai. Tập thể xóm Làng Phan không phải là chủ thể nhận tiền đền bù. Lẽ ra, dự án không phải đền bù tiền đất cho các hộ dân, mà chỉ trả tiền thuê đất cho Nhà nước (tức người bị hại là Nhà nước).

 

Theo biên bản bàn giao lập ngày 17-4-1995, UBND xã chỉ giao đất cho Hợp tác xã (HTX) Làng Phan “quản lý và bảo vệ rừng”. Sau đó HTX có biên bản giao cho 10 hộ “có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng từ năm 1995 đến khi được khai thác, khi khai thác có sự chỉ đạo của HTX” (biên bản này không ghi bên giao, bên nhận, không có chữ ký của người liên quan). Vì thế, các hộ dân chỉ được nhận tiền đền bù về cây và tiền thưởng do giao đất đúng tiến độ, không có căn cứ để nhận tiền đền bù về đất. Cơ quan điều tra không thu thập được hồ sơ chính làm cơ sở chính cho việc đền bù nên đã nhầm lẫn khi xác định 10 hộ dân là những người bị hại.

 

Dựa trên những cơ sở đó, Bản án Phúc thẩm củaTAND tối cao xét xử ngày 21-6-2012 đã không chấp nhận kháng cáo của của 10 hộ dân. 10 hộ dân không được giao đất, chỉ được giao trông coi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Như vậy, 10 hộ dân trên chỉ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do vậy, mỗi hộ dân có trách nhiệm nộp lại trên 47,5 triệu đồng để sung vào công quỹ Nhà nước.
 

Trao đổi với chúng tôi, 10 hộ dân không khỏi bức xúc và và lo lắng. Họ đều là những người nông dân chân lấm tay bùn. Cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Số tiền đền bù trên 475 triệu đồng (chia đều cho 10 hộ) đã được họ sử dụng hết cho sinh hoạt gia đình, cơi nới, sửa chữa nhà cửa… Nếu bây giờ Tòa yêu cầu họ trả lại số tiền đó, nhiều gia đình sẽ lâm vào cảnh khốn khó, thậm chí phải bán tài sản của gia đình để trả “trả món nợ” này. Vậy là, từ những người có công trông coi, gìn giữ, bảo vệ đất, rừng, 10 hộ dân ở xóm Làng Phan lại bỗng dưng “mang nợ” sau khi đã được nhận tiền đền bù. Một khi bản án có hiệu lực pháp lý, cơ quan thi hành phải thực hiện bản án, chắc chắn 10 hộ dân phải tự nguyện nộp lại số tiền trên, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Nhưng, với hoàn cảnh thực tế hiện nay, liệu việc thu hồi số tiền đó có được thực hiện dễ dàng? Hơn nữa, trên thực tế họ còn là những người có công chứ không có tội. Nếu tiến hành cưỡng chế, liệu có nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương?

 

Ông Vũ Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn: Nếu Tòa đã quyết định thu hồi lại số tiền ấy sung vào quỹ Nhà nước thì nên đưa về địa phương. Địa phương sẽ mở hội nghị lấy ý kiến xử lý số tiền phù hợp.

 

Ông Mạc Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Linh Sơn (nguyên là chủ tịch UBND xã từ năm 1999 đến năm 2004): Cùng thời điểm đó, ở Linh Sơn, có rất nhiều hộ dân được giao trông coi đất, rừng giống như 10 hộ ở Làng Phan nhưng vì trong quá trình nhận đền bù không xảy ra tranh chấp nên họ đã nhận được toàn bộ số tiền bồi thường. Như vậy, nếu buộc họ phải trả lại số tiền đó để sung vào quỹ Nhà nước thì rất thiệt thòi.

 

Luật sư Nguyễn Đức Toàn: Mấu chốt của vấn đề là tiền này bị một số cán bộ xã, xóm chiếm đoạt để chia nhau, nếu số tiền ấy đến thẳng tay người dân thì đã không có chuyện này xảy ra. Và đương nhiên, 10 hộ dân này được nhận toàn bộ số tiền đền bù.