Nhùng nhằng chuyện thi công Chợ đầu mối Bắc Sơn

15:03, 11/08/2012

Chủ đầu tư cho là đúng, chính quyền địa phương lại bảo sai, sự nhùng nhằng đó đã khiến Dự án xây dựng Chợ kinh doanh đầu mối thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên) suốt gần 3 năm triển khai mà chưa thể hoàn thành. Được biết, tỉnh đã triệu tập tới 3 cuộc họp bàn về vấn đề này nhưng rút cục vẫn chưa thể đưa ra giải pháp tối ưu.

Câu chuyện về vấn đề thi công Chợ kinh doanh đầu mối thị trấn Bắc Sơn (gọi tắt là Chợ Bắc Sơn) khá rắc rối. Gần đây, được dự cuộc họp bàn do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nhằm đưa ra phương án giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng tôi mới thấy được tính phức tạp của nó.

 

Dự án Chợ Bắc Sơn được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3-2010, nhà đầu tư là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu SIAAI (gọi tắt là Công ty SIAAI). Địa điểm đặt chợ tại xóm Sơn Trung, thị trấn Bắc Sơn với quy mô 8 khu ki ốt (tổng số 199 ki ốt) và siêu thị tổng hợp 2 tầng, diện tích 9.990m2. Chợ Bắc Sơn được đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng vốn gần 15 tỷ đồng, thời gian hoạt động 49 năm. Chợ đầu mối phải được hoàn tất xây dựng trong năm 2011. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai đến nay Chợ Bắc Sơn mới chỉ hoàn thành được một số hạng mục gồm: Hệ thống chiếu sáng, 2.900m sân đường bê tông, 26 ki ốt và 2 dãy nhà đầu mối, tổng trị giá khối lượng thực hiện là khoảng 8 tỷ đồng.

 

Theo báo cáo của huyện Phổ Yên thì trong quá trình thi công nhà đầu tư đã bộc lộ một số tồn tại, làm trái với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Cụ thể, trong tổng số 26 ki ốt đã thi công thì có 11 ki ốt do nhà đầu tư xây, số còn lại là do các hộ kinh doanh bỏ tiền thuê địa điểm và tự xây. Qua đối chiếu hiện trường với hồ sơ cho thấy, chủ dự án và nhà thầu đã thi công sai so với nội dung Giấy phép xây dựng đã cấp của Sở Xây dựng; không đúng thiết kế đã được phê duyệt; không tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình; quá trình thi công để xảy ra sự cố làm sập toàn bộ ô văng của một dãy ki ốt do các hộ dân tự xây.

 

Ông Nguyễn Duy Phụng, Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Sơn cho biết: Nhà đầu tư đã để cho một số hộ kinh doanh tự ý xây công trình phụ trong ki ốt, tiến hành sửa chữa ki ốt làm sai lệch so với thiết kế mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nhà đầu tư còn tự ý thay đổi nhà thầu; cán bộ giám sát thi công không đủ năng lực, trình độ. Ông Trần Văn Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn bức xúc: Mặc dù chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, nhưng họ lại tỏ thái độ bất hợp tác, không phối hợp trong việc giám sát xây dựng, kiểm tra tiến độ, an toàn lao động… trong thi công Chợ. Nhà đầu tư không cung cấp hồ sơ dự án xây dựng khi chính quyền địa phương yêu cầu. Trong quá trình giải quyết kho khăn, vướng mắc, nhiều lần UBND thị trấn đề nghị được làm việc với người đứng đầu Công ty để cùng thống nhất phương án, nhưng chưa một lần được gặp.

 

Bày tỏ quan điểm của huyện Phổ Yên về vấn đề này, ông Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Huyện tạo điều kiện giao đất cho nhà đầu tư sớm; có chủ trương bỏ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với những vị trí khó khăn; giúp nhà đầu tư khởi công sớm, có thể vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác kinh doanh luôn… nhưng nhà đầu tư đã không những không hợp tác mà còn làm sai các quy định của Nhà nước. Nhà đầu tư đã tùy tiện bố trí các điểm bán hàng bất hợp lý cho nhân dân, huy động tiền của dân không hợp pháp. Điều đó gây bất bình trong nhân dân, làm mất an ninh trật tự địa phương. Từ những lý do trên huyện đề nghị tỉnh rút Giấy phép đầu tư xây dựng Chợ Bắc Sơn của Công ty này.

 

Tuy nhiên, khi trao đổi tranh luận và báo cáo cụ thể tại các cuộc họp của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề trên, đại diện phía nhà đầu tư là Công ty SIAAI đều đưa ra những nội dung trái ngược hoàn toàn. Ông Lê Văn Quế, Phó Giám đốc Công ty giải trình: Công ty đã bỏ ra một lượng tiền tương đối lớn để đầu tư xây dựng chợ cho địa phương nhưng trong quá trình thi công đã có nhiều đối tượng đến gây rối, cản trở thi công. Bên cạnh đó, chính quyền thị trấn Bắc Sơn đã không phối hợp giải quyết khó khăn còn tiến hành kiểm tra gây phiền hà cho đơn vị. Địa phương đã không tổ chức giải phóng mặt bằng mà để nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân. Nhà đầu tư huy động vốn trong nhân dân là đúng quy định pháp luật. Các hộ dân tự ý phá hợp đồng thì đương nhiên nhà đầu tư không thể hoàn lại tiền đặt cọc được. Nhà đầu tư đã hỗ trợ vận chuyển hàng hóa miễn phí và miễn một số loại phí trong chợ để giúp đưa các hộ dân địa phương về họp chợ. Một số hạng mục xây dựng bị sai thiết kế là do nhân dân “xây trộm”, Công ty không biết... Nhà đầu tư đề nghị tỉnh, huyện tiếp tục cho phép được tiếp tục triển khai hoàn tất dự án.

 

Trước sự nhùng nhằng, chưa thể giải quyết vấn đề của các bên liên quan, đại diện Sở Công Thương, ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch cho rằng, nhà đầu tư và chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm phối hợp triển khai dự án của mình. Trước khi đi đến kết luận xem có thu hồi Giấy phép đầu tư hay không thì cần có cuộc thanh toàn diện Dự án này, sai đến đâu xử lý đến đó. Tuy vậy, theo ông Đào Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì nhà đầu tư nên tự đề nghị tỉnh rút Giấy phép đầu tư để được hoàn trả những chi phí đã đầu tư, vì nếu còn tiếp tục đầu tư thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân địa phương đã không còn tin tưởng, ủng hộ nữa. Cũng theo ông Cường thì bản thân Hợp đồng BOT ký giữa thị trấn Bắc Sơn với Công ty SIAAI đã là sai so với các quy định của pháp luật. Trong đó sai lớn nhất chính là việc ủy quyền ký hợp đồng (hợp đồng BOT chỉ có thể ký giữa tỉnh và nhà đầu tư chứ không thể ủy quyền cho cấp xã ký thay được). Ngày 27-7-2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo kết quả làm việc liên ngành giải quyết trường hợp trên, trong đó yêu cầu nhà đầu tư phải phối hợp với địa phương thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án, nếu không thực hiện được thì sau 1 tháng kể từ ngày ra thông báo sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

 

Như vậy, sự nhùng nhằng của vấn đề này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Được biết, Chợ Bắc Sơn là chợ nông thôn đầu tiên của tỉnh từ trước đến nay có nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, còn lại đều do Nhà nước sử dụng ngân sách với số lượng cấp rất hạn chế (chỉ đủ tu sửa hàng năm). Bởi thế, việc thất bại trong đầu tư xây dựng Chợ Bắc Sơn sẽ là một tiền lệ xấu góp phần cản trở quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhất là khi chúng ta đang tập trung triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.