Mùa mưa bão đã đến! Bên cạnh nỗi lo về lốc xoáy, lũ lụt, người dân huyện vùng cao Võ Nhai còn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đá ở bờ các sông, suối, các tuyến đường giao thông, núi đá…
Hiểm họa rình rập...
Ông Đặng Đức Đông, xóm Là Mè, xã Phương Giao cho biết: Từ năm 1997 đến nay, chúng tôi đã từng chứng kiến 4 lần đá ở chân núi lở, rơi xuống sau nhà ở. Hòn rơi gần nhất chỉ cách chái nhà của gia đình chúng tôi chừng 2m. Khoảng hơn 1 tháng trước, một hòn đá chừng 1m3 cũng rơi xuống gần nhà ở của chúng tôi. Cả nhà ai cũng rất lo lắng. Tôi đã làm đơn đề nghị các ngành, các cấp hỗ trợ kinh phí cho gia đình di chuyển chỗ ở. Nhưng đến nay vẫn chưa được tiền hỗ trợ. Cho dù chưa được tiền hỗ trợ nhưng gia đình tôi cũng sẽ di chuyển đi nới khác an toàn hơn hơn trong thời gian sớm nhất...
Địa điểm nhà ở của gia đình ông Đông chỉ là một trong số 299 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản (thống kê sơ bộ của các xã). Ngoài ra, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (BCH PCLB GNTT) huyện Võ Nhai thì núi đá dọc các trục đường thuộc các xóm Mỏ Gà, Phượng Hoàng, Nà Pheo, Nà Kháo (Phú Thượng); Đồng Chuối, Đoàn Kết, Ba Phiêng (Dân Tiến); Na Đồng, Na Mấy, Na Rang (Vũ Chấn); Kim Sơn (Thần Sa); núi đất ở các xóm: Nác, Khuôn Nang, Kẹ (Liên Minh), Ba Phiêng (Dân Tiến); xóm Phố (La Hiên), Đồng Dong (Phương Giao); điểm dọc các sông suối chảy qua địa phận các xóm: Cổ Rồng, Bãi Lai (Đình Cả); Phượng Hoàng, Nà Pheo (Phú Thượng); Tân Thành, Làng Đèn, Đồng Ranh, Làng Tràng (Tràng Xá); Đồng Chuối, Đoàn Kết (Dân Tiến); xóm Phố (Bình Long); Bản Cái, Nà Giàng, Nà Châu, Nà Lẹng, Bản Nhàu, Na Hấu, Thâm Thạo (Nghinh Tường)... cũng đều có nguy cơ sạt lở cao.
Thực tế là gần đây nhất, sau những trận mưa to vào 29, 30-7, có khoảng trên 10.000m3 đất, đá bị sạt lở trên 500m đường, thuộc đèo Đá Cả, xóm Làng Kẽn, trên khu vực đang thi công công trình kênh mương và Trạm bơm Bác Tác (xã Phương Giao) đã vùi lấp toàn bộ mặt đường, cắt đứt giao thông từ trung tâm xã đi 4 xóm Cụm Phù Trì: Phương Đông, Làng Cũ, Làng Hang và Là Khoan. Những trận mưa to cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay đã làm sạt lở một số tuyến đường liên thôn của xã Thượng Nung như: tuyến từ xóm Lục Thành đi Lũng Luông, xóm Trung Thành đi xã Sảng Mộc, UBND xã đi Lũng Hoài...
Tăng cường kiểm tra, kịp thời khắc phục
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền ở các xã, các cơ quan chuyên môn đều đã xây dựng phương án PCLB GNTT, trong đó có kế hoạch phòng chống sạt lở đất, đá. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lũ và sạt lở đất, đá gây ra, UBND huyện Võ Nhai đã có chỉ thị về công tác PCLB GNTT yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn rà soát tình hình thực tế, thống kê những điểm có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bào và kịp thời xây dựng phương án phòng chống sạt lở, chủ động di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động khắc phục sự cố; xây dựng hệ thống cảnh báo những nơi có nguy cơ sạt lở có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người và hư hại tài sản.
Ông Nông Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCH PCLB GNTT xã Vũ Chấn cho biết: Thực hiện Chỉ thị của UBND huyện về công tác PCLB GNTT, ngay từ đầu mùa mưa, chúng đã tiến hành rà soát toàn bộ những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở cao như: núi đá ở xóm Đồng Đình, Na Đồng; các tuyến giao thông Na Rang - Khe Rạc - Cao Sơn, Na Đồng - Khe Rịa, Na Cà - Khe Cái... Cùng với đó, chúng tôi đã xây dựng phương án phòng chống cũng như chuẩn bị mọi điều kiện về nguồn lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với lũ quét và sạt lở. Sau mỗi trận mưa to, chúng tôi đều cử các thành viên trong BCH PCLB GNTT của xã phối hợp với trưởng, phó các xóm đi kiểm tra tại các địa điểm thường hay sạt lở. Nếu có sạt lở ở mức độ nhẹ trên một số tuyến đường thì chúng tôi sẽ huy động nhân dân ra vận chuyển đất, đá đến địa điểm đã định sẵn trong phương án khắc phục sạt lở...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó ban Thường trực BCH cho biết thêm: Đối với những điểm có nguy cơ sạt lở không thường xuyên xảy ra, BCH PCLB GNTT của huyện đã chỉ đạo UBND các xã có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng dân quân, thanh niên xung kích phải thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân sơ tán đến nơi an toàn khi có hiện tượng sạt lở. Còn đối với những hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, huyện đã chỉ đạo xây dựng phương án di dân theo dự án di dân tái định cư khỏi vùng nguy hiểm của tỉnh...