Phát triển du lịch theo hướng bền vững

13:36, 04/08/2012

Nhắc đến mảnh đất Đại Từ, nhiều người nghĩ ngay tới Khu du lịch Hồ Núi Cốc với câu chuyện huyền thoại về tình yêu thủy chung của nàng Công, chàng Cốc làm đắm say lòng người.

Cũng từ địa điểm du lịch này, chúng ta có thể khám phá 169 danh lam, thắng cảnh, di tích nổi tiếng khác của huyện. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tác dụng thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của nhiều thành phần kinh tế khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, huyện Đại Từ đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Trong giai đoạn này, huyện Đại Từ tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục, thu hút đầu tư xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc (xã Quân Chu) và đầu tư xây dựng tuyến đường từ ĐT 261 vào Thiền viện. Cùng với đó, huyện hoàn chỉnh quy hoạch thị trấn Hùng Sơn, trên cơ sở đó lập dự án mở rộng Khu Di tích lịch sử 27-7.

 

Song song với đó, huyện còn thực hiện quy hoạch khu chân đập hồ Gò Miếu (xã Ký Phú), thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, quy hoạch nhà hàng, khách sạn tại khu vực này và tiến hành lập Dự án du lịch trên hồ Gò Miếu, bao gồm trong đó có việc làm đường bê tông dọc suối, cải tạo lòng suối làm hồ bơi tự nhiên, dịch vụ du lịch tham quan vùng đầu nguồn hồ Gò Miếu. Ngoài ra, huyện từng bước quy hoạch công viên khu Thanh niên xung phong tại Yên Lãng; quy hoạch khu vực thác Cửa Tử (xã Hoàng Nông), thác Bom bom, gềnh Tổ chim (xã Mỹ Yên), thác Ba Dội (xã Phú Xuyên); quy hoạch khu vực Đát Ngao (xã Quân Chu) để hình thành tuyến tham quan du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng Quân Chu - Tam Đảo.

 

Đặc biệt, để tạo nét riêng biệt, huyện còn xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù như chè La Bằng, Khuôn Gà (Hùng Sơn), thêu ren (Vạn Thọ, Tân Thái), nấm (Hùng Sơn, Tiên Hội), cây thuốc nam thuộc các xã ven sườn núi Tam Đảo; lựa chọn địa điểm xây dựng một số làng văn hóa dân tộc Dao, làng văn hóa dân tộc Tày… mà ở đó hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Khi khách du lịch đến với mỗi làng văn hóa có thể nhận diện, cảm thụ đầy đủ và có ấn tượng sâu sắc về tầng sâu văn hiến, về mảnh đất, con người Đại Từ.

 

Không những vậy, huyện còn quan tâm và phát triển các lễ hội truyền thống, bảo tồn phát huy nghệ thuật dân gian, dân vũ đặc sắc của địa phương như hát sli, hát lượn, hát then, đàn tính… Tăng cường tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ khách du lịch cho người dân, tạo phong cách ứng xử thân mật, mến khách, lịch sự, văn minh… Để các dự án về du lịch trọng điểm này được đầu tư có hiệu quả, trong năm 2012- 2013, huyện đang từng bước xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch này. Đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch đảm bảo tính khoa học, hiện đại và lâu dài...