7 tháng năm 2012, tình trạng sinh con thứ ba ở Phú Bình tăng đột biến, trong số 1.657 trẻ ra đời thì có 153 trẻ là con thứ ba (chiếm trên 30% số trẻ con thứ ba của cả tỉnh). Điều đáng nói là có tới 8 trường hợp đảng viên sinh con thứ ba trở lên…
Chị Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1979, ở xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim (Phú Bình) đã có 2 con gái. Chị là Chi hội trưởng Phụ nữ của xóm hoạt động rất tích cực và đã được kết nạp Đảng. Nhưng, ngày được trao quyết định công nhận đảng viên chính thức, cũng là ngày chị Thúy thông báo cho Bí thư Chi bộ biết tin chị bị “nhỡ” kế hoạch đã 4 tháng. Bà Nguyễn Thị Tươi, Bí thư Chi bộ Bạch Thạch cho biết: Khi chị Thúy có ý định sinh con thứ ba mà lại giấu đến 4 tháng thì chúng tôi rất khó tuyên truyền vận động chị thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Bản thân đảng viên cũng sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật. Sau khi chị Thúy sinh con (tháng 4-2012), chúng tôi đã họp Chi bộ, cấp ủy và có biên bản xét kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba theo Điều lệ Đảng với hình thức kỷ luật: khiển trách. Chị Thúy cũng làm đơn xin thôi làm Chi hội trưởng Phụ nữ.
Còn anh Nguyễn Viết Tân, là đảng viên ở xóm Sỏi, xã Hà Châu, lại vừa sinh con thứ ba cho “vui cửa, vui nhà” trong khi anh chị đã có 1 con trai, 1 con gái. Thêm một thông tin khác, từ đầu năm đến nay, xóm Đồn có 5 trẻ mới ra đời thì đều là con thứ ba. Chị Tạ Thị Sông, cán bộ chuyên trách dân số xã Hà Châu cho biết: tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn đông con, nhiều cháu vẫn ăn sâu trong tiềm thức của người dân nơi đây, vì thế họ đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc “nhỡ” kế hoạch của mình. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, ở xã có 62 trẻ ra đời thì có tới 25 trẻ là con thứ ba (cao nhất huyện), tăng 16 trẻ so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3 trẻ là con đảng viên.
Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Phú Bình cho biết: Việc thay đổi cán bộ dân số ở cơ sở thời gian gần đây cũng ảnh hưởng đến công tác dân số - KHHGĐ, bởi hầu hết đều là cán bộ trẻ, mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, chưa thạo địa bàn, chưa hiểu phong tục tập quán… Ngoài công tác dân số, họ còn làm nhiều công việc khác của trạm y tế xã nên thời gian dành cho công tác dân số còn hạn chế…
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh con thứ ba gia tăng đột biến ở Phú Bình, nhưng có lẽ nguyên nhân chính vẫn là do ngay cả các cán bộ, đảng viên, người làm công tác dân số cũng sinh con thứ ba nhưng mức độ xử phạt còn rất nhẹ, lại không làm gương được cho nhân dân. Tại Điều 7 trong Hướng dẫn số 11-HD/UBKTTW ngày 24-3-2008 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Công văn số 3204-CV/UBKTTW ngày 22-6-2009 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (khoá XI) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ đã nêu rõ: “…đảng viên vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách; sinh con thứ tư thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, sinh con thứ 5 thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ…. Chính vì thế, số đảng viên, cán bộ, công chức sinh con thứ ba trở lên tăng nhiều nhưng chưa được xem xét xử lý nghiêm đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Đối với những người sinh con thứ ba không phải là đảng viên, cán bộ, công chức, hiện nay chúng ta vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt ngoài việc cắt danh hiệu gia đình văn hóa, xóm văn hóa…
Theo thông tin từ đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế (nơi tham gia vào việc soạn thảo dự thảo Nghị định Quy định việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số -KHHGĐ đang được trình Chính phủ phê duyệt), trong Nghị định nói trên sẽ có nhiều điểm mới với những hình thức xử lý cương quyết, triệt để hơn. Cụ thể là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện; cán bộ, viên chức, công chức sinh con thứ ba sẽ bị cách chức nếu như đang giữ chức vụ lãnh đạo; bị cảnh cáo nếu không giữ cương vị lãnh đạo; sẽ không đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo đối với người vi phạm chính sách dân số, sẽ không được chuyển ngạch công chức, kéo dài thời gian nâng lương; đối với những cán bộ, viên chức, công chức, đảng viên cố tình vi phạm, sinh con thứ tư có thể sẽ bị buộc thôi việc.
Như vậy, khi quy định trên có hiệu lực thì đối với những cặp vợ chồng là công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba đã có chế tài để xử lý. Tuy nhiên, còn những cặp vợ chồng sống bằng nghề tự do, buôn bán và nông dân thì sao? Văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ quy định chung chung là sinh con thứ ba trở lên thì sẽ bị phạt. Với những đối tượng khó khăn về kinh tế, phạt thì họ sợ nên rất có thể họ không đi khai sinh nữa, như thế đứa trẻ sinh ra sẽ bị thiệt thòi, mất quyền lợi. Với những đối tượng này cần tuyên truyền về lợi ích và các biện pháp KHHGĐ để họ tự nguyện thực hiện.