Kèm theo tiếng đánh đấm thịch thịch là lời giải từng ngón đòn: Hổ vồ, gấu tát, quạ mổ; chim ưng bắt rắn, kiến bò và đoàng, đoàng, bốp bốp, bộp bộp... Nghe tiếng đấm, vỗ, kéo, vuốt, tiếng xương kêu răng rắc phía phòng trong khiến tôi liên tưởng tới một trận đấu tay đôi của 2 cao thủ võ lâm trên phim chưởng.
“Sàn đấu” ở ngôi nhà số 873, đường Dương Tự Minh, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên). Ngôi nhà này được anh Trịnh Quốc Thái, 51 tuổi, người thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) thuê lại với giá 3 triệu đồng/tháng để mở cơ sở tẩm quất, mát xa, giác hơi từ hơn 2 năm nay.
Mồ hôi nhễ nhại, anh Thái bước ra phòng khách và bắt tay từng người. Anh vừa thực hiện xong một ca mát xa nên chân, tay còn nhừ oải. Nhưng nhìn gương mặt sáng, thông minh, cách trò chuyện hóm hỉnh thì ai cũng bảo anh thuộc diện hào hoa, phong nhã. Tiếc thay, anh là một người khiếm thị.
Tôi là người tàn tật, nhưng chuyện áo, cơm đâu có đùa. Vì thế tôi cố gắng tự học tập, lao động để sống có ích cho xã hội. Hơn thế, tôi vượt lên để muốn giúp những người cùng cảnh mù lòa theo kịp tiếng gọi của cuộc sống - anh Thái tâm sự.
Thái sinh ra trong một gia đình lao động ở Mỏ sắt Trại Cau. Nhà có 6 anh em, Thái là con cả nên công việc trong nhà anh phải gánh nặng nhất. Tuy vất vả, song những năm học phổ thông Thái luôn được bạn quý, thầy yêu vì kết quả học tập hằng năm đạt cao. Không chỉ học giỏi, Thái còn là một cầu thủ bóng đá xuất sắc ở Trường. Một lần chơi cùng các bạn, chạy chân tiền vệ, đang “tả xung hữu đột” thì bị cú bóng bất ngờ đập vào mặt, trước mắt Thái chỉ còn là bóng tối.
Thái được bố mẹ đưa đi nhiều bệnh viện của tỉnh, của Trung ương để cứu chữa đôi mắt nhưng không được Anh tâm sự: Lúc đó, tôi thấy mình hụt hẫng, chán nản, cuộc sống dường như không còn có giá trị gì. Nhưng bố mẹ động viên, bạn bè qua lại trò chuyện, tôi đã đứng dậy để sống làm một người có ích cho xã hội.
Anh Thái chìa cho tôi xem đôi bàn tay sần sẹo, đó là kết quả của những ngày tập luyện thái chuối, băm rau giúp bố mẹ chăn nuôi lợn mất hơn 1 tháng thì mọi người trong xóm đều bảo đôi tay tôi có mắt. Tôi không băm vào tay mình nữa. Anh Thái nói.
Nhà nghèo, anh Thái bàn với mẹ mở thêm nghề làm đậu phụ, nấu rượu và chăn lợn. Mẹ lo đi chợ, nấu, ép đậu phụ, còn Thái hôm nào cũng thức dậy từ 2 giờ sáng để xay đỗ, sau đó lại băm rau, thái chuối cho lợn ăn, giúp mẹ ủ men rượu. Khi rảnh, Thái nhờ các em dạy học tiếng Nga và tiếng Anh.
Để giúp anh làm quen với chữ cái, các em của Thái dùng dây thép uốn thành chữ để đưa anh sờ vào rồi hình dung. Để luyện âm chuẩn, Thái tự học theo chương trình dạy tiếng nước ngoài của đài tiếng nói Việt Nam. Bằng cách học… xẩm sờ như vậy, sau hơn 1 năm anh có thể thực hiện được một số các giao dịch thông thường với người nước ngoài.
Anh kể: Ngày thanh niên, nhiều cô gái nói chuyện với tôi một lần là mê tít. Nhưng tôi đã chọn Đỗ Thị Vân, cô gái xã bên (Cây Thị) làm vợ. Sau ngày cưới, vợ chồng tôi tiếp tục sống bằng nghề làm đậu phụ, nấu rượu, nuôi lợn và kinh doanh lương thực. Vân sinh cho tôi được 2 cô con gái. Cháu lớn Trịnh Hồng Nhung đang học hệ cử nhân tiếng Anh ở Trường Cao đẳng Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên), cháu thứ hai là Trịnh Kim Anh, năm nay học lên lớp 9. Các cháu đều ngoan, có học lực khá.
Năm 1990, Anh được người thân đọc cho nghe bài báo viết về Hội Người mù Việt Nam. Sau khi nghe bài báo này, anh nghĩ nẫu gan rồi quyết định nhờ người em ruột đưa về Hà Nội, tìm đến địa chỉ Trung ương Hội. Ở đây, Thái như được mở tầm nghĩ, anh cảm nhận được thế giới lớn rộng nhưng gần gũi, đáng yêu hơn. Anh bắt đầu làm quen với chữ nổi Brai. Anh cho biết: Học chữ nổi, đôi tay mình nhìn thấy nhiều kiến thức.
Biết trong xã hội có nhiều người lâm vào hoàn cảnh như mình, anh bắt đầu tìm đường đến các cơ quan như Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ, Sở Lao động Thương binh & Xã hội... xin được thành lập Hội Người mù tỉnh. Một số đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh ái ngại, hỏi: Thành lập ra, các anh có duy trì được hoạt động không? Anh quả quyết: Sẽ rất tốt, bởi những người mù chúng tôi đang cần có một điểm tựa tinh thần.
Gần 5 năm liên tục (1998-2002) đi lại các cơ quan chức năng Nhà nước, Hội Người mù tỉnh chính thức được ra mắt. Nhưng trước khi ra mắt, Anh Thái cùng một số người đồng cảnh khác được tỉnh lựa chọn, cử về Trung ương Hội tham gia lớp Bồi dưỡng Quản lý công tác Hội. Sau đó, anh được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Thường trực Hội. Nhờ sáng dạ, anh được tham gia các lớp đào tạo làm giảng viên dạy chữ nổi; xoa bóp, bấm huyệt; tin học văn phòng và lớp cộng tác viên báo chí do Trung ương Hội tổ chức.
Làm chủ một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, chăm lo đời sống cho 6 lao động không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, song khi rảnh, anh lại nhờ người đưa đi thăm những người đồng cảnh để động viên, khích lệ họ vươn lên trong cuộc sống. Anh kể: Khi được học chữ, những người mù sẽ sáng suốt hơn về tinh thần. Trong lớp học chữ của tôi, nhiều bạn trẻ thành duyên, trở thành một mái ấm hạnh phúc. Trong lớp bấm huyệt tôi dạy, nhiều người đã tự kiếm sống được bằng sức lao động của mình.
Tiếng xe ô tô phanh khựng trước nhà, anh ngồi ngay ngắn, lắng nghe. Rồi bật dậy, đi ra phía cửa đón khách. Được chứng kiến không khí thân mật, ấm cúng như thế, mấy ai biết anh là một người khiếm thị. Còn tôi biết rất rõ, anh là một người hỏng mắt, nhưng tâm hồn không mù lòa.