Trong mấy ngày vừa qua, cơn bão số 5 đã làm cho hơn 60 ngôi nhà ở huyện Phú Lương bị tốc mái, 1 người dân bị thiệt mạng. Hiện, chính quyền địa phương cùng nhân dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả.
Phú Lương là huyện chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ cơn bão số 5, tính đến nay đã có 67 ngôi nhà bị tốc mái, 1 nhà bếp bị sập hoàn toàn, nhiều diện tích lúa và cây màu bị thiệt hại, sạt lở một số tuyến đường… Các xã chịu ảnh hưởng nặng là: Ôn Lương, Yên Ninh, Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô, Yên Đổ, Phấn Mễ, Cổ Lũng. Ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 1,4 tỷ đồng.
Tức Tranh là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất, trong đó có cả thiệt hại về tài sản và người. Đêm 21-8, do mưa to, gió lớn kéo dài, cột điện tại nhà anh Lưu Văn Tĩnh, xóm 7 Liên Hồng đã bị gẫy đổ. Khi anh Tĩnh về nhà, do trời tối nên đã vướng vào dây điện và bị điện giật, sau đó đã tử vong. Sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi đã có mặt tại xã Vô Tranh để chứng kiến những thiệt hại mà bà con phải gánh chịu: Hàng chục ngôi nhà ở đây bị tốc mái; đặc biệt, tại nhà chị Nguyễn Thị Phương, xóm 4 Thống Nhất - nơi có cây gỗ bị đổ sập vào ngay phòng ngủ của gia đình. Chị Phương kể lại: Tôi vừa sinh con được 20 ngày, trong lúc mưa bão, tôi đang dọn dẹp lại đồ đạc thì một cây gỗ có đường kình khoảng 80cm đã đổ sập xuống mái nhà làm sập mái ngay tại khu vực giường ngủ. Lúc đó, con tôi đang nằm trên giường, rất may do cây gỗ vướng vào chiếc màn, không rơi xuống giường nên con tôi thoát chết…
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng đến các gia đình bị thiệt hại nặng để thống kê thiệt hại, động viên người dân khắc phục khó khăn để ổn định cuộc sống. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Từ sáng 22-8, huyện và xã đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Lưu Văn Tĩnh, đồng thời tổ chức cho các đoàn thể và các xóm tập trung đến giúp đỡ bằng công lao động tại những hộ bị tốc mái để họ sớm ổn định cuộc sống…
Phú Lương nằm trong khu vực mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 hướng gió chính là Đông Bắc và Tây Nam. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết bất thường, hay xảy ra mưa bão, lốc xoáy, sạt lở đất, lũ lụt… Trong khi đó, kết cấu hạ tầng cơ sở trên địa bàn còn chưa đáp ứng được với yêu cầu khi có biến đổi thời tiết, điều kiện kinh tế của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhiều hộ chưa xây dựng được nhà kiên cố nên rất dễ bị mưa bão gây tác hại. Từ thực trạng đó, ngay từ đầu năm nay huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) gồm 18 đồng chí, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí.
Cùng với đó, huyện đã khoanh vùng các khu vực có nguy cơ bị ảnh nặng khi mưa bão xảy ra, như: Khu vực dễ bị ngập úng, lũ lụt (gồm các xã: Động Đạt, Phấn Mễ, Vô Tranh, Cổ Lũng, Sơn Cẩm, Yên Ninh, thị trấn Đu và thị trấn Giang Tiên); khu vực có nguy cơ sạt lở cao (là các xã: Yên Trạch, Yên Ninh, Phú Đô, Phủ Lý, Ôn Lương); khu vực có khả năng bị ảnh hưởng do lũ quét (là xã Yên Ninh); khu vực dễ bị ảnh hưởng khi có lốc xoáy (là các xã: Yên Trạch, Ôn Lương, Yên Đổ, Yên Lạc, Phú Đô). Từ đó, tổ chức lực lượng phòng, chống mưa bão tại các địa phương phù hợp. Các lực lượng đã được tập huấn theo phương châm 4 tại chỗ, huy động người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời. Qua đó, người dân cũng đã đề cao cảnh giác với các tình huống.
Tuy nhiên, cơn bão số 5 là cơn bão lớn với sức gió mạnh nên mặc dù đã thực hiện khá tốt các biện pháp phòng, chống hậu quả nhưng huyện Phú Lương vẫn khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tại thời điểm này, huyện đang tích cực thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão gây ra. Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi có thông tin về thiệt hại, huyện đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, đồng thời kiểm tra tình hình các ao, hồ, sông, suối để có biện pháp kịp thời trong trường hợp xảy ra lũ lụt. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trên địa bàn tiếp tục chủ động phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ để đề phòng những diễn biến bất thường. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, tổ chức đoàn thể đến giúp đỡ các gia đình bị tốc mái, vận động người dân giúp đỡ các hộ về ngày công, lương thực để họ ổn định cuộc sống một cách sớm nhất…