Thành quả từ sự đồng thuận

07:15, 29/08/2012

Sau nhiều năm triển khai Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ, đến nay Dự án đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị cho ra sản phẩm đầu tiên. Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình triển khai và hiệu quả của Dự án này đem lại, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Núi Pháo Mining.

P.V: Xin ông cho biết sơ bộ về Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo?

 

Ông Nguyễn Văn Thắng: Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo được Chính phủ cấp phép đầu tư từ tháng 3-2004 với tổng vốn hơn 500 triệu USD. Đây là Dự án khai thác quặng đa kim công nghệ cao chủ yếu là Vonfram lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai trên thế giới. Dự án có tổng diện tích hơn 670ha nằm trên địa bàn các xã Hà Thượng, Hùng Sơn, Tân Linh, Cát Nê và Tiên Hội của huyện Đại Từ. Khi triển khai Dự án có 2.732 hộ dân phải di dời hoặc bị ảnh hưởng đến sản xuất và đất ở. Theo đánh giá thì trữ lượng Vonfram chiếm phần lớn (khoảng 21 triệu tấn), còn lại là các khoáng sản đa kim khác: Bismut, Đồng, Fluorit, Vàng…

 

P.V: Trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp, ngành và nhân dân địa phương?

 

Ông Nguyễn Văn Thắng: Ngay từ đầu, Dự án đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đặc biệt là nhân dân trong vùng Dự án. Sau hơn 2 năm tái cấu trúc do Tập đoàn MASAN và các doanh nghiệp trong nước tiếp quản toàn bộ Dự án từ Công ty liên doanh Tiberon (Canada) trước đây, Núi Pháo Mining đã đem đến những kết quả rất rõ nét. Tính đến nay, tỷ lệ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong 5 khu vực hoạt động của Dự án đạt 99,6%, tổng số tiền đã chi trả cho công tác này đạt trên 1 nghìn 200 tỷ đồng. Con số này phản ánh sự đồng thuận từ nhiều phía, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai Dự án. Và đây cũng là kết quả của một cách làm khoa học, minh bạch, công bằng khi lợi ích người dân, cộng đồng được tôn trọng.

 

P.V: Như vậy, để triển khai Dự án này, chắc hẳn Núi Pháo Mining đã phải làm rất nhiều việc?

 

Ông Nguyễn Văn Thắng: Đây là một dự án lớn có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội và khối lượng công việc đồ sộ. Vì thế, chúng tôi đã tập trung cao độ cả về nhân lực, tài lực để triển khai Dự án đạt hiệu quả. Cụ thể là ngay sau khi tiếp quản Dự án từ Tiberon, Núi Pháo Mining lập tức triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng các khu tái định cư; triển khai chương trình hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề cho nhân dân vùng Dự án; tiến hành bóc phủ, xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị; ký quỹ bảo vệ môi trường… Tất cả đều được tiến hành một cách đồng bộ, nhịp nhàng đúng với quy định của pháp luật và tiến độ của Dự án.

 

P.V: Gần đây, trên báo điện tử Người cao tuổi có bài viết cho rằng Núi Pháo Mining mang “lợi ích nhóm” lấy đi hàng trăm héc - ta đất “bờ xôi ruộng mật” của bà con dẫn đến ẩu đả, khiếu kiện kéo dài. Ông  có thể cho biết quan điểm , suy nghĩ của mình về thông tin này?

 

Ông Nguyễn Văn Thắng: Trước tiên phải khẳng định việc triển khai Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước vì sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước một cách bền vững. Khi Dự án đi vào sản xuất sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động, đặc biệt là đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của địa phương và nộp ngân sách Nhà nước. 1.350 triệu USD - là kế hoạch giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm khai thác đầu tiên 2013-2017, bao gồm các sản phẩm tinh quặng Volfram, Fluorit, Bismut và tinh quặng đồng của Núi Pháo Mining. Theo kế hoạch, công tác bóc đất phủ sẽ được bắt đầu từ quý III-2012, quý IV-2012 bắt đầu khai thác, chạy thử nhà máy tuyển vào ngày 30-1-2013. Giai đoạn 2013-2017, công suất khai thác của Núi Pháo Mining sẽ đạt trung bình 3,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, song song với tiến trình tìm kiếm công nghệ, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu Volfram, dự kiến có sản phẩm Volfram 98% vào năm 2017…

 

Hiện nay, Núi Pháo Mining đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường 11,7 tỷ đồng. Bài báo nói trên làm cho chúng tôi và dư luận hết sức bất bình. Việc báo chí đăng tải thông tin chúng tôi rất hoan nghênh, tuy nhiên đăng tải phải đúng, phải trung thực, lắng nghe thông tin từ nhiều phía và phải có tính định hướng. Tác giả bài báo đã không trực tiếp làm việc với chúng tôi, phản ánh sai sự thật. Ông Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi đã gỡ bỏ bài báo đó trên website của Báo Người cao tuổi và có Công văn số 224/CV-BNCT ngày 23-8-2012 xin lỗi Ban lãnh đạo Núi Pháo Mining về sai sót của tác giả. Và tôi được biết, hiện nay lực lượng công an tỉnh đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật.

 

P.V: Trước thông tin sai lệch như vậy có ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án và sản xuất của Núi Pháo không thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Thắng: Thông tin sai lệch đó không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án và sản xuất của Núi Pháo Mining mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Tuy nhiên, mọi việc sẽ được làm sáng tỏ và tôi hoàn toàn tin vào kết quả tốt đẹp mà Dự án đã đang và sẽ mang lại đối với cộng đồng và xã hội. 

 

P.V: Xin cảm ơn ông!