Thông tin văn bản, chính sách nổi bật trong tuần

16:00, 12/08/2012

Chính sách cấp bách hỗ  trợ chăn nuôi và thủy sản; thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; rà soát mức dự trữ quốc gia các mặt hàng thiết yếu; huy động 2.000 tỷ đồng kiên cố hóa kênh mương… là những thông tin văn bản, chính sách nổi bật tuần qua.

Thanh niên tham gia giữ  gìn trật tự an toàn giao thông

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan thẩm định Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước 20/8/2012.

 

Chỉ tính riêng trong 2 năm từ 2008-2010, các cơ sở Đoàn đã tổ chức được 37.310 đợt ra quân tuyên truyền, cổ động về an toàn giao thông thu hút 4.015.634 lượt thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân tham gia; tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm thanh thiếu nhi về an toàn giao thông thu hút 2.447.704 người tham dự.

 

Chính sách cấp bách hỗ  trợ chăn nuôi và thủy sản

 

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay.

 

Các Ngân hàng tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) cho các hộ  gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương chỉ  đạo các cơ quan chức năng, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm tiêu thụ cá tra với giá mua ổn định và có lợi cho người sản xuất.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp tục có các giải pháp lâu dài để phát triển sản xuất chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường và nguyên liệu cho xuất khẩu.

 

Rà soát mức dự trữ quốc gia các mặt hàng thiết yếu

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại mức dự trữ quốc gia các mặt hàng nhất là các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thuốc sát trùng phòng bệnh thủy sản, hạt giống bông).

 

Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mức dự trữ phù hợp với tình hình thực tế và khả năng kinh phí ngân sách đáp ứng mức dự trữ đó, hoàn chỉnh Đề án về Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

 

Triển khai phát triển thông tin đối ngoại

 

Thủ  tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.

 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ  trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương định kỳ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế quản lý nhà  nước về thông tin đối ngoại.

 

Bộ Thông tin và  Truyền thông cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ chuyên trách công tác thông tin đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đến năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương có biên chế cán bộ chuyên trách về thông tin đối ngoại.

 

Bộ Ngoại giao chủ  trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao, kỷ niệm năm chẵn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước...

 

Đến 2015, dạy nghề và tạo việc làm cho 250.000 người khuyết tật

 

Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu giai đoạn 2012 - 2015, 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.

 

Hằng năm 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 60,000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.

 

 

Huy động 2.000 tỷ  đồng kiên cố hóa kênh mương

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến đối với đề nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong đó có việc tăng thêm 2.000 tỷ đồng cho Chương trình kiên cố hóa kênh mương.

 

Theo đó, Phó Thủ  tướng yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động vốn trên theo quy định. Ngân sách nhà nước sẽ cấp bù chênh lệch lãi suất.

 

Trường hợp không huy động được, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo cụ  thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ  biện pháp xử lý.

 

Sắp xếp thứ tự  ưu tiên các công trình giao thông ĐBSCL

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ trì rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình giao thông để tập trung nguồn lực đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

 

Công việc rà soát, sắp xếp các công trình nêu trên được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Bộ, ngành liên quan  thực hiện.

 

Trong đó lựa chọn 1 đến 2 công trình để đầu tư thí điểm theo hình thức đối tác công – tư (PPP), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.